Với mức tăng trưởng gần 130% so với cùng kỳ năm 2020, xuất khẩu thép sau 11 tháng đã cán mốc 10.8 tỷ USD.
Xuất khẩu thép như “cá gặp nước”
Dữ liệu thống kê của Bộ Công Thương và Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho thấy, từ đầu năm đến nay, xuất khẩu thép tăng trưởng theo từng tháng. Năm tháng đầu năm, xuất khẩu thép sang hơn 20 quốc gia, đạt gần 4,9 triệu tấn, tương đương 3,6 tỷ USD. Thị trường xuất khẩu chính trong giai đoạn này là EU, Mỹ, ASEAN, Trung Quốc.
Hết tháng 9, kim ngạch xuất khẩu thép đạt gần 9,7 triệu tấn, tương đương gần 8,7 tỷ USD.
Tính chung 11 tháng của năm 2021, xuất khẩu thép cán mốc xuất khẩu 10,8 tỷ USD, trở thành mặt hàng tăng trưởng gần 130% – tốc độ tăng trưởng được đánh giá là cao nhất cùng kỳ.
Giải thích về việc xuất khẩu thép tăng mạnh, VSA cho rằng là do nhu cầu của thị trường tăng mạnh, xuất khẩu sắt thép trong nước vì thế gặp nhiều thuận lợi. Theo đó, Hoà Phát, Nam Kim hay Tôn Hoa Sen – các nhà sản xuất thép lớn trong nước đều đạt được con số xuất khẩu ấn tượng.
Cụ thể, 11 tháng qua tập đoàn Hoà Phát xuất khẩu 914.000 tấn thép xây dựng thành phẩm. So với cùng kỳ, con số này tăng 90%. Trong đó, tháng 11, số lượng thép xuất khẩu tăng gấp 2,3 lần cùng kỳ 2020, ở mức hơn 100.000 tấn. Theo dự kiến của tập đoàn này, sản lượng xuất khẩu thép xây dựng thành phẩm năm 2021 sẽ gấp đôi cùng kỳ, vượt 1 triệu tấn.
Ngoài ra, Hoà Phát còn nhận được đơn đặt hàng của năm 2022, sản lượng vào khoảng 300.000 tấn thép thanh, thép cuộn từ thị trường Nhật Bản, Canada, Singapore.
VSA dự báo xuất khẩu thép trong những tháng cuối năm sẽ tăng trưởng tốt bởi nhu cầu tiêu thụ tăng, nhất là nguồn cung thép tạm thời đang thiếu hụt tại Trung Quốc.
Cùng quan điểm, báo cáo của Công ty Chứng khoán VietcomBank (VCBS) phân tích, Trung Quốc đang giảm dần sản lượng xuất khẩu, gây ra tình trạng thiếu hụt cho các đối tác thường xuyên nhập khẩu thép từ thị trường này. Đồng nghĩa với việc, các quốc gia xung quanh có cơ hội thâm nhập vào thị trường này.
Tại thị trường châu Âu, việc áp dụng quota khiến các quốc gia xuất khẩu lớn vào châu Âu khó tăng sản lượng khi nhu cầu tăng đột biến trong thời gian ngắn. Doanh nghiệp thép Việt Nam sẽ có cơ hội xuất khẩu vào thị trường này.
Chưa kể, giá thép sản xuất của doanh nghiệp Việt hiện nay khá cạnh tranh do tự chủ đường nguồn cung thép cuộn cán nóng (HRC).
Tình hình xuất khẩu chung trong 11 tháng của Việt Nam
Sau 11 tháng, cán cân thương mại của Việt Nam đã xoay chiều, trở lại xuất siêu. Cú đảo chiều này một phần nhờ vào việc tháng 11, Việt Nam xuất siêu 100 triệu USD. Đây cũng là tháng thứ 2 liên tiếp cán cân thương mại của nước ta không bị thâm hụt. Tính chung trong 11 tháng, Việt Nam xuất siêu 225 triệu USD.
Kim ngạch xuất khẩu tháng 11 tăng gần 4%, xấp xỉ 30 tỷ USD. So với cùng kỳ năm ngoái, tăng 18,5%. Luỹ kế 11 tháng xuất khẩu tăng 17,5% so với cùng kỳ 2020, đạt gần 299,7 tỷ USD.
Theo đánh giá của bộ Công Thương, xuất khẩu đang thuận lợi bởi Việt Nam khai thác hiệu quả các hiệp định FTA. Kèm theo đó là nhu cầu thị trường tăng vào cuối năm.
Trong đó, Công nghiệp chế biến, chế tạo xuất khẩu đạt gần 258 tỷ USD. Xuất khẩu dệt may tăng hơn 7%, đạt gần 29 tỷ USD; xuất khẩu giầy dép các loại đạt hơn 15,5 tỷ USD.
11 tháng qua, nhóm hàng nông, lâm sản đạt kim ngạch xuất khẩu gần 25,2 tỷ USD, tăng 11,4% so với cùng kỳ 2020. Còn xuất khẩu nhiên liệu, khoáng sản cũng đạt 3,4 tỷ USD, tăng gần 29%.
Cát Anh (T/h)