Nhờ tập trung vào việc bán lẻ, tiết giảm chi phí, cải thiện biên lãi ròng (NIM), ưu tiên quản trị rủi ro mà ngân hàng VIB lãi gần 2.300 tỷ đồng lãi trước thuế trong quý I.
Hoạt động kinh doanh của VIB khả quan
Theo ghi nhận, ngân hàng thu về lợi nhuận trước thuế là gần 2.300 tỷ đồng. Trong tổng thu nhập hoạt động đạt hơn 4.100 tỷ đồng thì thu nhập lãi thuần tăng 27% so với cùng kỳ, đạt 3.500 tỷ đồng. Ngoài ra, thu nhập ngoài lãi đóng góp 16% vào tổng thu nhập hoạt động, đạt 650 tỷ đồng. Về chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đạt mức 6,1%, dư nợ gần 217.000 tỷ đồng. Riêng huy động vốn tăng trưởng tốt ở mức 7,7%, đạt 227.000 tỷ đồng.
Lợi nhuận có sự tăng trưởng do ngân hàng VIB tập trung vào danh mục tín dụng bán lẻ. Trong đó, gần 90% danh mục là cho vay bán lẻ, 95% có tài sản đảm bảo.
Nhờ vào chi phí huy động vốn giảm thêm 40 điểm cơ bản so với cùng kỳ nên NIM được cải thiện ở mức 4,5%. Số dư tiền gửi không kỳ hạn (CASA) tăng trưởng hơn 40%, cùng với đó là các khoản vay từ các định chế tài chính nước ngoài tăng gần 80% so với cùng kỳ năm trước đã giúp NIM được mở rộng. Trong khi lãi suất chung trên thị trường có dấu hiệu gia tăng nhẹ thì các nguồn vốn giá rẻ đã giúp VIB có thể duy trì chi phí huy động ở mức thấp.
Đại diện VIB cho biết, nhờ vào việc quản trị, kiểm soát rủi ro hiệu quả nên chi phí tín dụng được quản lý ở mức thấp, tỷ lệ sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) của ngân hàng VIB quý I đứng top đầu ngành, đạt 30%.
Được biết, ngân hàng này là đơn vị tiên phong áp dụng các chuẩn mực quốc tế hàng đầu về quản trị rủi ro. Do đó, các chỉ số về an toàn vốn, tỷ lệ nợ xấu và thanh khoản được quản lý chặt chẽ.
Ngoài ra, tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) cũng hiệu quả nhất từ trước đến nay khi giảm về mức 35%.
Chiến lược kinh doanh trong 5 năm tới
Ngân hàng VIB đầu tư vào trái phiếu của phần lớn là các doanh nghiệp sản xuất, có kết quả kinh doanh tốt và tài sản đảm bảo chất lượng. Những doanh nghiệp này cũng kiểm soát rủi ro chặt chẽ, có mục đích sử dụng vốn rõ ràng, minh bạch, an toàn.
Tại VIB, tính đến ngày 31/3/2022, số dư trái phiếu doanh nghiệp là 2.612 tỷ đồng, tương đương với 1,2% tổng danh mục tín dụng. Đây là con số thấp trong ngành ngân hàng.
Về vốn điều lệ, ngày 19/4, phương án tăng vốn điều lệ thêm 5.545 tỷ đồng của VIB dưới hình thức phát hành cổ phiếu thưởng 35% cho cổ đông hiện hữu và 0,7% cho cán bộ nhân viên từ nguồn vốn chủ sở hữu đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận. Nếu phát hành thành công, vốn điều lệ của VIB sẽ tăng lên trên 21.000 tỷ đồng.
Quý I, ngân hàng VIB đã mở rộng hệ sinh thái mở thẻ trên Bizverse World. Điều này giúp ngân hàng trở thành một trong những ngân hàng đầu tiên tích hợp đa dạng kênh mở thẻ trong không gian thực và trên thế giới ảo, tại chi nhánh cũng như trên các nền tảng thương mại điện tử hàng đầu Việt Nam và khu vực.
Với chiến lược này, trong 5 năm tới, dự kiến VIB sẽ cung cấp cho thị trường 2,5 triệu thẻ tín dụng, thúc đẩy hoạt động thanh toán không tiền mặt.
Mới đây, VIB được Credit Suisse đưa vào danh sách các ngân hàng triển vọng. Trọng tâm của VIB trong giai đoạn 2022–2026 là phát triển trung, dài hạn ở lĩnh vực ngân hàng số cũng như các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao. Mục tiêu của VIB là trở thành ngân hàng bán lẻ hàng đầu về quy mô và chất lượng tại Việt Nam.