Người lao động sẽ nhận được những quyền lợi bảo hiểm xã hội nào khi tham gia BHXH? Được sự bảo hộ của Nhà nước theo pháp luật, Bảo hiểm xã hội (BHXH) là sự đảm bảo an toàn đời sống cho người lao động và gia đình, góp phần đảm bảo an toàn xã hội. Bảo hiểm xã hội là trụ cột trong hệ thống an sinh xã hội ở mỗi quốc gia.
1. Bảo hiểm xã hội ra đời khi nào?
Hệ thống bảo hiểm xã hội đầu tiên được thành lập tại Phổ (nay là Cộng hòa liên bang Đức) thời của Thủ tướng Otto von Bismarck (1850) và hoàn thiện các chế độ bảo hiểm ốm đau, rủi ro nghề nghiệp, tuổi già, tàn tật cho 3 thành phần trong xã hội: người lao động, người sử dụng lao động và Nhà nước từ năm 1883 – 1889. Kinh nghiệm về bảo hiểm xã hội trở nên phổ biến ở Đức, sau đó lan dần sang nhiều nước trên thế giới. Đầu tiên là ở các nước châu Âu như Anh (1991), Ý (1919), Pháp (1918),…tiếp theo là các nước châu Mỹ như Latin, Mỹ, Canada (sau năm 1930) và sau đó là các nước ở khu vực châu Phi, châu Á.
Tại Việt Nam, BHXH xuất hiện từ những năm năm trước Cách mạng tháng 8 từ các quỹ tương thân, tương ái, gắn liền với cộng đồng làng xã nhằm giúp đỡ những người gặp rủi ro, bất hạnh trong cuộc sống. Từ ngày 01/01/1995, tổ chức bảo hiểm xã hội Việt Nam chính thức hoạt động, có nhiệm vụ thực hiện các chế độ chính sách BHXH đối với người lao động. Năm 1995 đánh dấu một bước ngoặt lớn trong sự phát triển của BHXH Việt Nam.
Đến cuối tháng 09/1995, 53 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung Ương và 565 quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh đã thành lập cơ quan bảo hiểm xã hội trên cơ sở tiếp nhận nhiệm vụ và bắt đầu tổ chức triển khai hoạt động để thực hiện nhiệm vụ từ 01/10/1995. Từ đó, BHXH dần cải tiến và phát triển như ngày nay.
2. Quyền lợi bảo hiểm xã hội
Khi tham gia bảo hiểm xã hội, người lao động sẽ được hưởng những quyền lợi theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội như sau:
- Được tham gia và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định
- Được cấp và quản lý sổ bảo hiểm xã hội của mình
- Được đi khám, giám định mức suy giảm khả năng lao động nếu thuộc trường hợp quy định tại điểm B, khoản 1 Điều 45 của Luật BHXH và đang bảo lưu thời gian tham gia BHXH
- Được thanh toán phí giám định y khoa nếu đủ điều kiện hưởng BHXH
- Ủy quyền cho người khác nhận lương hưu và trợ cấp BHXH
- Định kỳ 06 tháng được người sử dụng lao động cung cấp thông tin về quá trình tham gia BHXH. Hàng năm, người lao động được cơ quan BHXH xác nhận việc đóng BHXH, được yêu cầu người sử dụng lao động và cơ quan BHXH cung cấp thông tin về việc đóng, hưởng BHXH
- Được khiếu nại, tố cáo và khởi kiện về BHXH theo quy định của pháp luật
3. Mức đóng BHXH
Có 2 loại Bảo hiểm xã hội là bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Bảo hiểm xã hội bắt buộc
Đây là bảo hiểm xã hội do Nhà nước tổ chức mà người lao động và người sử dụng lao động phải tham gia.
Bảo hiểm xã hội bắt buộc gồm 5 chế độ: Ốm đau; thai sản; tai nạn lao động; bệnh nghề nghiệp; hưu trí; tử tuất.
Mức đóng BHXH bắt buộc:
- Người lao động đóng 8% vào quỹ hưu trí và tử tuất
- Người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng 18%. Trong đó, 3% vào quỹ ốm đau và thai sản; 1% vào quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; 14% vào quỹ hưu trí và tử tuất.
Bảo hiểm xã hội tự nguyện
Đây là bảo hiểm xã hội do Nhà nước tổ chức mà người tham gia được lựa chọn mức đóng và phương thức đóng phù hợp với thu nhập của bản thân. Đồng thời, Nhà nước cũng có chính sách hỗ trợ tiền đóng BHXH để người tham gia bảo hiểm xã hội được hưởng chế độ hưu trí và tử tuất.
Bảo hiểm xã hội tự nguyện gồm 2 chế độ: Hưu trí; tử tuất.
Mức đóng BHXH tự nguyện:
Người lao động quy định tại khoản 4 điều 2 của Luật này, hàng tháng đóng bằng 22% mức thu nhập tháng do người lao động lựa chọn để đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở.
Nguồn: Tổng hợp