Sổ đỏ hộ gia đình dù có thể sử dụng để thế chấp ngân hàng nhưng nó lại mang tới không ít phiền toái.
Hiểu về sổ đỏ hộ gia đình
Sổ đỏ hộ gia đình theo quy định tại điều 5, thông tư 23/2014/TT-BTNMT là sổ đỏ trong đó phần quyền sở hữu ghi “Hộ ông” hoặc “Hộ bà”, sau đó ghi tên, họ đầy đủ của chủ hộ gia đình. Trường hợp chủ hộ gia đình nhưng không có quyền sử dụng đất chung của hộ gia đình, sổ này sẽ ghi tên người đại diện là thành viên trong hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất.
Nói cách khác, trong sổ đỏ hộ gia đình, những người có quan hệ huyết thống, hôn nhân hoặc nuôi dưỡng, được nhà nước công nhận quyền sở dụng đất sẽ cùng có chung quyền sở hữu đối với nhà, đất ghi trong sổ đỏ.
Vay thế chấp sổ đỏ hộ gia đình: Điều kiện
Sổ đỏ hộ gia đình vẫn có thể dùng để vay thế chấp ngân hàng. Tuy nhiên, đặc thù của loại sổ này là nhiều người cùng chung quyền sử dụng đất. Do đó, khi vay thế chấp ở ngân hàng, điều kiện sẽ nhiều hơn, ngoài điều kiện về thu nhập hay lịch sử tín dụng.
Một số điều kiện khác nếu muốn vay thế chấp sổ đỏ hộ gia đình như sau:
- Sổ đỏ có đầy đủ giấy tờ pháp lý, tại thời điểm thế chấp không có tranh chấp.
- Trên hợp đồng thế chấp tài sản, tất cả các thành viên trong hộ gia đình cùng phải đồng ý ký tên.
- Các thành viên có tên trong sổ đỏ hộ gia đình không ai được nợ xấu tại ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng.
- Độ tuổi các thành viên trong hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất trên 18.
Vay thế chấp sổ đỏ hộ gia đình, tất cả các thành viên trong gia đình có phải đồng ý không?
Luật đất đai quy định, những người có quan hệ huyết thống, hôn nhân hoặc nuôi dưỡng đang sống chung tại thời điểm được Nhà Nước giao đất/công nhận quyền sử dụng đất mới có quyền sở hữu đất trong sổ đỏ hộ gia đình.
Có nghĩa là, dù có tên trong sổ hộ khẩu nhưng nếu sau thời điểm được Nhà nước công nhận, giao quyền sử dụng đất thì những thành viên đó cũng không có quyền sở hữu đối với đất. Do đó, khi vay thế chấp ngân hàng, thực tế, không bắt buộc mọi thành viên trong hộ gia đình đồng ý cho thế chấp tài sản, chỉ cần những thành viên chung quyền sở hữu đất đồng ý.
Những vướng mắc khi thế chấp sổ đỏ hộ gia đình
Nhiều thành viên cùng chung quyền sở hữu tài sản khiến cho việc thế chấp sổ đỏ hộ gia đình phát sinh không ít những vướng mắc, cụ thể như sau:
Vướng mắc về độ tuổi
Độ tuổi của người đứng tên trên sổ đỏ thường sẽ được ngân hàng quy định từ 18 – 60 tuổi. Nếu trong sổ đỏ hộ gia đình có thành viên nhỏ tuổi hoặc quá lớn tuổi, việc đăng ký thế chấp tài sản để vay vốn sẽ không thể thực hiện.
Vướng mắc về nợ xấu
Dù không đứng tên vay vốn nhưng bất kỳ thành viên nào có tên trong sổ đỏ gia đình có nợ xấu, thông thường ngân hàng sẽ không nhận tài sản đảm bảo đó.
Lý do có thể bởi liên quan tới rắc rối khi tiến hành xác minh tài sản xem nó có thuộc trường hợp phải xử lý để trợ nợ hay không? liên quan tới các nghĩa vụ cũng như tư cách pháp lý của thành viên đó.
Trường hợp vướng mắc liên quan đến độ tuổi hay nợ xấu, tốt nhất người vay vốn nên tìm một tài sản thế chấp khác.
Vướng mắc về sự đồng thuận
Đây là một trong những vướng mắc phổ biến nhất hiện nay khiến cho việc vay thế chấp bằng sổ đỏ hộ gia đình khó có thể thực hiện. Suy cho cùng, việc phải huy động tất cả thành viên đồng thuận và cùng ký giao dịch tài sản đảm bảo không hề dễ dàng.
Nếu không thể đi ký giao dịch tài sản đảm bảo thì các thành viên trong hộ gia đình có thể bàn bạc, đi đến thống nhất tặng, chuyển nhượng tài sản cho 1 thành viên trong gia đình. Một cách khác, các thành viên trong gia đình có thể cùng ký biên bản cam kết tài sản trong sổ đỏ là của 1 thành viên duy nhất được chỉ định. Lưu ý, mọi văn bản, giấy tờ phải thực hiện tại văn phòng công chứng.