Quý III/2022 vừa qua, CTCP Tập đoàn Cotana (mã: CSC) là một trong những doanh nghiệp có đồ thị tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng nhất khi lãi ròng đột biến 102 tỷ đồng – mức lãi kỷ lục trong một quý. Trong khi cùng kỳ năm ngoái, CSC chỉ lãi ròng 8 tỷ.
Về doanh thu, công ty đạt gần 642 tỷ – gấp 4,7 lần con số cùng kỳ quý 3/2021. Trừ giá vốn, CSC đạt 244 tỷ lợi nhuận gộp, đột biến so với con số 18 tỷ cùng kỳ.
Doanh thu tài chính tăng mạnh, trong khi chi phí lãi vay giảm giúp lợi nhuận tài chính cải thiện. Kết quả, LNST của Cotana thu về 149,5 tỷ đồng – gấp đến 19 lần cùng kỳ.
Luỹ kế 9 tháng, Cotana đạt 1.507 tỷ doanh thu và 346 tỷ LNST – lần lượt cao gấp 5 và 30 lần 9 tháng đầu năm ngoái .
KQKD tăng trưởng phi mã cũng không thắng nổi thị trường chung. Thị giá cổ phiếu CSC trên sàn giao dịch đã liên tục nằm sàn trong bối cảnh thị trường vẫn lao dốc và dò đáy mới thời gian gần đây.
Kết phiên giao dịch ngày 15/11, thị giá CSC đã trượt về vùng đáy 2 năm – xuống còn 24.700 đồng/cp. Nếu tính từ mức đỉnh lịch sử 146.700 đồng (giá sau điều chỉnh) lập được trong phiên ngày 5/11/2021, cổ phiếu CSC đã giảm tới 80% thị giá sau 1 năm.
Tuy nhiên, cũng với sự hồi phục của TTCK trong 3 phiên gần đây, CSC đã tăng trần 3 phiên liên tục. Niêm yết trên HNX và giao dịch với biên độ 10%, CSC nhanh chóng tăng về 32.700 đồng tại phiên cuối tuần.
Được biết, CSC là công ty bất động sản được thành lập từ năm 1993 và là một trong những doanh nghiệp tư nhân đầu tiên của ngành xây dựng của Hà Nội. Một số dự án tiêu biểu của CSC có KĐT Linh Đàm, Văn Quán, Trung Hòa – Nhân Chính, Ecopark; công trình Golden Field, Samsora Primier 105, Amber Riverside; dự án Ecogarden…
Ông Đào Ngọc Thanh – Chủ tịch Vinaconex, cũng là Chủ tịch HĐQT của Cotana và là cổ đông lớn nhất tại CSC với tỷ lệ sở hữu 29,41% vốn. Ông từng mua vào hơn 1 triệu cổ phiếu này để tăng sở hữu vào giữa năm 2021.
Trong 2 năm qua, nhóm cổ đông của CSC cũng nhiều lần thực hiện mua bán cổ phần để thay đổi tỷ lệ sở hữu. Theo lịch sử dữ liệu, các lãnh đạo của CSC chủ yếu bán được CSC ở vùng giá đỉnh, khi cổ phiếu này còn giao dịch ở mức thị giá 120.000 – 145.000 đồng.
Gần nhất là ông Trần Văn Năm – Phó Chủ tịch HĐQT hoàn tất bán 200.000 cổ phiếu CSC vào tháng 4/2022, qua đó còn nắm giữ 3,45% vốn. Trước đó năm 2021, ông cũng từng bán tổng cộng gần 250.000 cổ phiếu CSC thông qua 2 lần giao dịch.
Hay bà Huỳnh Thị Mai Dung hồi tháng 11 năm ngoái cũng bán ra 500.000 cổ phiếu CSC, giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 16,57%. Khi đó CSC đang ở giai đoạn thăng hoa nhất.
Ở chiều mua vào, gần nhất vào cuối năm ngoái, CTCP Chứng khoán Châu Á – Thái Bình Dương đã mua 9.000 cổ phiếu CSC để tăng tỷ lệ nắm giữ lên 0.04%.
Tính đến thời điểm 30/9/2022, CSC có tổng tài sản hơn 2.043 tỷ đồng – giảm 300 tỷ so với đầu kỳ. Tiền và tương đương tiền vào mức 296,4 tỷ đồng, hàng tồn kho chiếm tỷ trọng chính với 1.235 tỷ đồng và 392 tỷ đồng phải thu ngắn hạn (chủ yếu với các đơn vị liên quan trong hệ thống Vinaconex).
Nợ phải trả vào mức 1.263 tỷ đồng, trong đó nợ vay vào mức 370 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu đạt 780 tỷ đồng, lợi nhuận giữ lại chưa phân phối gần 306 tỷ đồng.