Quốc hội vừa thông qua Luật Giao dịch điện tử sửa đổi. Trong đó, 8 hành vi bị nghiêm cấm theo quy định.
8 hành vi bị cấm trong giao dịch điện tử
Sáng 22/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) với 468/477 đại biểu tán thành, đạt tỷ lệ gần 95%.
Theo đó, Luật Giao dịch điện tử sửa đổi gồm 7 chương, 54 điều. Tại điều 6, chương I quy định 8 hành vi bị nghiêm cấm trong giao dịch điện tử gồm:
1. Lợi dụng giao dịch điện tử xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
2. Cản trở hoặc ngăn chặn trái pháp luật quá trình tạo ra, gửi, nhận, lưu trữ thông điệp dữ liệu hoặc có hành vi khác nhằm phá hoại hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử.
3. Thu thập, cung cấp, sử dụng, tiết lộ, hiển thị, phát tán, kinh doanh trái pháp luật thông điệp dữ liệu.
4. Xóa, hủy, giả mạo, sao chép, làm sai lệch, di chuyển trái pháp luật một phần hoặc toàn bộ thông điệp dữ liệu.
5. Tạo ra thông điệp dữ liệu nhằm thực hiện hành vi trái pháp luật.
6. Gian lận, giả mạo, chiếm đoạt hoặc sử dụng trái pháp luật tài khoản giao dịch điện tử, chứng thư điện tử, chứng thư chữ ký điện tử, chữ ký điện tử.
7. Cản trở việc lựa chọn thực hiện giao dịch điện tử.
8. Hành vi khác bị nghiêm cấm theo quy định của luật.
Sự thay đổi trong Luật Giao dịch điện tử sửa đổi
Luật Giao dịch điện tử sửa đổi so với Luật Giao dịch điện tử từ 2005 đã bổ sung ý số 1. Bên cạnh đó, phạm vi bị cấm trong điều 6 về “gian lận, giả mạo, chiếm đoạt, sử dụng trái pháp luật” cũng được mở rộng thêm. Theo đó, thay vì chỉ áp dụng cho chữ ký điện tử như luật cũ, luật mới còn áp dụng cho tài khoản giao dịch điện tử, chứng thư điện tử, chứng thư chữ ký điện tử.
Luật sửa đổi quy định, nhiều thành phần trong giao dịch điện tử sẽ có giá trị tương đương với trong văn bản giấy.
Như giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử khi được thông báo dưới dạng thông điệp dữ liệu sẽ có giá trị pháp lý như thông báo bằng văn bản giấy. Giá trị pháp lý của chữ ký số cũng tương đương với chữ ký của cá nhân trên giấy. Dữ liệu chủ trong cơ sở dữ liệu quốc gia có giá trị sử dụng chính thức, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Nhưng để thay được văn bản giấy, dữ liệu chuyển đổi sẽ cần đáp ứng được các yêu cầu: Thông tin toàn vẹn như văn bản giấy; có thể truy cập, sử dụng được để tham chiếu; đồng thời có ký hiệu riêng để xác nhận rằng đã được chuyển đổi từ văn bản giấy sang thông điệp dữ liệu, có thông tin của cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện chuyển đổi.
Luật Gaio dịch điện tử sửa đổi cũng công nhận tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử nước ngoài tại Việt Nam. Điều kiện là cần có văn phòng đại diện tại Việt Nam, thành lập và hoạt động hợp pháp tại quốc gia đăng ký hoạt động; có đầy đủ báo cáo kiểm toán kỹ thuật. Chữ ký điện tử do đơn vị nước ngoài cung cấp cần đáp ứng yêu cầu phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về chữ ký điện tử, chứng thư chữ ký điện tử theo quy định của pháp luật.
Việc công nhận tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử nước ngoài, chữ ký điện tử nước ngoài, chứng thư chữ ký điện tử nước ngoài tại Việt Nam sẽ được Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quy định chi tiết.