Sau khi các nước “thiên đường thuế” như Ireland, Estonia và Hungary đồng ý, 136 quốc gia và khu vực pháp lý, chiếm 90% nền kinh tế toàn cầu, đã đạt được một thỏa thuận mang tính bước ngoặt đặt mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu là 15% và thực thi một hệ thống đánh thuế lợi nhuận công bằng hơn.
Ireland không còn là thiên đường thuế của những người khổng lồ
Chính phủ Ireland hôm thứ Năm thông báo nước này đã ký một thỏa thuận với EU nhằm giảm bớt lợi ích về thuế, cụ thể là thuế suất lợi nhuận tối thiểu đối với các công ty đa quốc gia sẽ tăng từ 12,5% lên 15% . Truyền thông nước ngoài chỉ ra rằng thỏa thuận khung bao trùm của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) được đưa ra hồi tháng 7 về bản chất là một kế hoạch gồm hai trụ cột nhằm chấm dứt tình trạng trốn thuế và làm cho các quy tắc thuế quốc tế trở nên công bằng và minh bạch hơn.
Thỏa thuận yêu cầu các tập đoàn đa quốc gia có doanh thu trên 750 triệu euro (tương đương 867 triệu USD) phải nộp thuế tại các khu vực kinh doanh sản phẩm hoặc dịch vụ của họ. Đây chắc chắn là một sự thay đổi chính sách lớn đối với những gã khổng lồ công nghệ như Google, Apple và Facebook đã thành lập trụ sở chính tại Ireland. Tuy nhiên, các công ty có doanh thu dưới 750 triệu euro vẫn có thể được hưởng mức thuế ưu đãi 12,5% tại Ireland.
Trong vài thập kỷ qua, nhờ thuế suất doanh nghiệp thấp hơn, Ireland đã trở thành thiên đường thuế của nhiều công ty công nghệ lớn. Theo Phòng Thương mại Mỹ tại Ireland, có khoảng 800 công ty Mỹ đang kinh doanh tại Ireland với khoảng 180.000 nhân viên. Ngoài mức thuế doanh nghiệp thấp hơn mặt bằng chung, Ireland còn có hiệp ước thuế với các quốc gia khác cho phép doanh nghiệp đa quốc gia trả thuế thấp hơn và cung cấp thêm ưu đãi để bù đắp cho những công ty chi tiêu vào nghiên cứu và phát triển.
Apple thành lập một trụ sở tại Ireland vào năm 1980 và tạo ra công ăn việc làm cho hàng ngàn người dân nơi đây. Ngoài ra, Google đã mở trụ sở chính tại Châu Âu tại Ireland vào năm 2003 và Facebook thành lập trụ sở quốc tế tại Dublin vào năm 2008.
Bộ trưởng Tài chính Ireland Paschal Donohoe cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Năm rằng thỏa thuận sẽ giải quyết những thách thức về thuế do số hóa đặt ra, nhưng ông tin rằng các công ty này vẫn sẽ chọn giữ trụ sở chính ở Ireland.
Big Tech sẽ phải nộp hơn 150 tỷ mỗi năm
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) có trụ sở tại Paris đã ra thông cáo về việc cải cách hệ thống thuế quốc tế gồm hai trụ cột do OECD phối hợp và đàm phán với 136 quốc gia và các khu vực pháp lý trên toàn thế giới. Sau khi đi đến đồng thuận, mức thuế doanh nghiệp mới sẽ bắt đầu từ năm 2023.
Được biết, hai giải pháp trụ cột sẽ được đề xuất tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính G20 ở Washington vào ngày 13/10 và Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo G20 tại Rome vào cuối tháng 10.
OECD đặc biệt nhấn mạnh rằng thỏa thuận thuế suất doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu không tìm cách loại bỏ cạnh tranh về thuế, mà đặt ra các giới hạn được thỏa thuận đa phương và tạo ra khoảng 150 tỷ USD tiền thuế mới mỗi năm trên khắp thế giới.
Kế hoạch thuế lần này đã xác định hai trụ cột của các quy tắc cải cách thuế trong tương lai.
Trong đó, Trụ cột một được sử dụng để đảm bảo rằng các công ty đa quốc gia lớn nhất thế giới có thể phân phối lợi ích và thuế công bằng hơn giữa các quốc gia, thay vì chỉ nộp thuế tại trụ sở chính của họ.
Cụ thể, các công ty đa quốc gia có lợi nhuận toàn cầu hơn 20 tỷ euro và tỷ suất sinh lợi hơn 10%, được coi là những công ty “chiến thắng toàn cầu hóa”, phải tuân theo quy định mới này. Kế hoạch đánh thuế này cho phép các quốc gia có quyền đánh thuế ít nhất 20% lợi nhuận của các công ty đa quốc gia. Một phần tư bất kỳ khoản lợi nhuận nào họ kiếm được trên ngưỡng 10% sẽ được phân bổ lại cho các quốc gia nơi họ kiếm được và bị đánh thuế ở đó.
Theo OECD, dựa trên tỷ trọng nguồn thu từ thuế hiện có, dự kiến tăng trưởng thu thuế ở các nước đang phát triển sẽ lớn hơn các nước phát triển.
Các cuộc đàm phán về mức thuế doanh nghiệp thấp nhất thế giới đã bắt đầu vào năm 2013. Đối mặt với sự xuất hiện của những gã khổng lồ công nghệ, chính phủ các nước hy vọng sẽ hạn chế họ sử dụng các đặc điểm của dịch vụ Internet để tránh bị đánh thuế. Trong nhiệm kỳ tổng thống Mỹ của ông Trump, các cuộc đàm phán bị đình trệ một thời gian. Nhưng sau khi ông Biden nhậm chức, Mỹ đã quan tâm nhiều hơn đến bình đẳng kinh tế, và Bộ trưởng Tài chính Yellen cũng ưu tiên mức thuế doanh nghiệp toàn cầu tối thiểu.
Ngoài thuế suất doanh nghiệp tối thiểu 15%, cuộc cải cách thuế quốc tế này cũng sẽ thay đổi cách đánh thuế vào các gã khổng lồ công nghệ, do đó, nhiều loại thuế được áp dụng dựa trên địa điểm kinh doanh của công ty, thay vì địa điểm đặt trụ sở chính của công ty hoặc chi nhánh. Động thái này cũng sẽ hạn chế hiệu quả việc trốn thuế của các ông lớn công nghệ bằng cách chọn các khu vực có thuế suất thấp làm trụ sở chính.
Trụ cột thứ hai sẽ đưa ra mức thuế doanh nghiệp thấp nhất thế giới là 15%.
Theo báo cáo, mức thuế tối thiểu mới áp dụng cho các công ty có doanh thu 750 triệu euro và dự kiến sẽ tạo ra khoảng 150 tỷ đô la Mỹ tiền thuế bổ sung trên toàn thế giới mỗi năm. OECD tin rằng bằng cách ổn định hệ thống thuế quốc tế và tăng tính chắc chắn về thuế giữa người nộp thuế và cơ quan thuế, điều này sẽ tạo ra nhiều lợi ích hơn.
Đối với các nước nhỏ và các nước đang phát triển, chính sách tài khóa và thuế là đòn bẩy pháp lý để họ thu hẹp khoảng cách phải triern kinh tế. Các nước này đưa ra các khoản trợ cấp tài khóa, giảm thuế thu nhập và các chính sách thuế ưu đãi để thu hút nhiều công ty lớn đến đầu tư và đặt trụ sở, thúc đẩy phát triển kinh tế và cải thiện đời sống của người dân.
Theo thỏa thuận thuế lớn nhất thế kỷ này, những thiên đường thuế như Bermuda, nơi các công ty không phải trả thuế, sẽ gặp nhiều rủi ro hơn trong thời gian tới khi cập nhật thuế quốc tế thay đổi.