Thanh khoản là gì? Đây là một khái niệm rất phổ biến trong tài chính, hiểu đơn giản là khả năng chuyển đổi thành tiền mặt của một sản phẩm hoặc tài sản nào đó.
Thanh khoản là gì?
Thanh khoản hay tính lỏng (tiếng Anh: liquidity) là một thuật ngữ tài chính dùng để chỉ khả năng chuyển đổi thành tiền mặt của một tài sản hoặc một sản phẩm mà không ảnh hưởng đến giá thị trường.
Nói cách khác, tính thanh khoản mô tả mức độ mà một tài sản có thể nhanh chóng được mua hoặc bán trên thị trường với mức giá phản ánh giá trị nội tại của nó. Tiền mặt thường được coi là tài sản có tính thanh khoản cao nhất vì nó có thể được chuyển đổi thành các tài sản khác một cách nhanh chóng và dễ dàng nhất. Các tài sản hữu hình, chẳng hạn như bất động sản, đồ mỹ nghệ và đồ sưu tầm, có tính thanh khoản tương đối thấp. Các tài sản tài chính khác, từ cổ phiếu đến trái phiếu, nằm ở nhiều vị trí khác nhau trên phổ thanh khoản.
Ví dụ, nếu một người muốn sở hữu một chiếc tủ lạnh trị giá 1.000 USD, tiền mặt là tài sản có thể dễ dàng sử dụng nhất để sở hữu chiếc tủ lạnh. Nếu người đó không có tiền mặt ngoài một bộ sưu tập sách quý hiếm đã được định giá 1.000 USD, họ khó có thể tìm được ai đó sẵn sàng đổi chiếc tủ lạnh để lấy bộ sưu tập của họ. Thay vào đó, họ sẽ phải bán bộ sưu tập và dùng tiền mặt để mua tủ lạnh. Nếu người đó có thể đợi hàng tháng hoặc hàng năm để sở hữu chiếc tủ lạnh, đây không phải vấn đề lớn nhưng nếu người đó chỉ có một vài ngày, họ sẽ bị đặt vào tình huống khó khăn. Họ có thể phải bán bộ sưu tập với giá chiết khấu, thay vì chờ đợi một người mua sẵn sàng trả toàn bộ giá trị 1000 USD. Bộ sưu tập sách hiếm là một ví dụ về tài sản kém thanh khoản.
Các loại thanh khoản
Thanh khoản có hai dạng cơ bản: thanh khoản thị trường, áp dụng cho các khoản đầu tư và tài sản, và thanh khoản kế toán, áp dụng cho tài chính doanh nghiệp hoặc cá nhân.
Thanh khoản thị trường
Tính thanh khoản của thị trường đề cập đến mức độ mà một thị trường, chẳng hạn như thị trường chứng khoán của một quốc gia hoặc thị trường bất động sản của một thành phố, cho phép tài sản được mua và bán với giá cả ổn định, minh bạch. Trong ví dụ trên, thị trường đổi tủ lạnh lấy bộ sưu tập sách hiếm có tính thanh khoản thấp cực thấp, thậm chí không tồn tại.
Mặt khác, thị trường chứng khoán có tính thanh khoản cao hơn. Nếu một sàn giao dịch có khối lượng giao dịch lớn không bị chi phối bởi việc mua bán, giá mà người mua đưa ra trên mỗi cổ phiếu và giá mà người bán sẵn sàng chấp nhận sẽ khá gần nhau. Các chứng khoán có tính thanh khoản cao là các chứng khoán có thị trường mua bán năng động, có thể dễ dàng được giao dịch với giá cả tương đối ổn định.
Thị trường bất động sản thường kém thanh khoản hơn nhiều so với thị trường chứng khoán. Tính thanh khoản của thị trường đối với các tài sản khác, chẳng hạn như phái sinh, hợp đồng, tiền tệ hoặc hàng hóa, thường phụ thuộc vào quy mô của chúng và có bao nhiêu sàn giao dịch cung cấp giao dịch.
Thanh khoản kế toán
Tính thanh khoản của doanh nghiệp đo lường mức độ dễ dàng mà một cá nhân hoặc công ty có thể đáp ứng các nghĩa vụ tài chính của họ bằng các tài sản có tính thanh khoản sẵn có của họ hay nói cách khác là khả năng thanh toán các khoản nợ khi đến hạn.
Trong ví dụ trên, tài sản của nhà sưu tập sách hiếm tương đối kém thanh khoản và có lẽ sẽ không thu về giá trị đúng 1.000 USD. Trong điều kiện đầu tư, đánh giá tính thanh khoản của doanh nghiệp có nghĩa là so sánh tài sản lưu động với các khoản nợ ngắn hạn hoặc các nghĩa vụ tài chính đến hạn thanh toán trong vòng một năm.
Tại sao tính thanh khoản lại quan trọng?
Tính thanh khoản càng cao, sức khỏe tài chính của một doanh nghiệp, cá nhân càng mạnh.
Ví dụ, một công ty có khoản vay hàng tháng là 5.000 USD. Doanh số bán hàng của công ty đang hoạt động tốt và công ty đang nhận ra lợi nhuận. Công ty dễ dàng trả khoản vay 5.000 USD hàng tháng.
Giả sử nền kinh tế bị suy thoái kinh tế đột ngột. Nhu cầu về sản phẩm của doanh nghiệp không còn nữa nên không mang lại doanh thu và lợi nhuận; tuy nhiên, công ty vẫn phải trả hóa đơn khoản vay 5.000 USD hàng tháng.
Thật không may, công ty chỉ có 3.000 USD tiền mặt trong tay và không có tài sản thanh khoản để nhanh chóng bán lấy tiền mặt. Công ty sẽ vỡ nợ trong vòng một tháng. Bây giờ nếu công ty có 10.000 USD tiền mặt và các tài sản thanh khoản khác trị giá 15.000 USD mà họ có thể bán trong vài ngày tới lấy tiền mặt, công ty có thể đáp ứng nghĩa vụ nợ trong nhiều tháng tới và chờ đợi cho đến khi nền kinh tế phục hồi.
Con người cũng vậy. Một cá nhân càng có nhiều tiền tiết kiệm thì họ càng dễ dàng trả các khoản nợ, chẳng hạn như các hóa đơn thế chấp, vay mua xe hoặc thẻ tín dụng. Điều này đặc biệt đúng nếu người đó mất việc làm. Họ càng có nhiều tiền mặt và càng có nhiều tài sản thanh khoản có thể bán lấy tiền mặt, họ càng dễ dàng tiếp tục thanh toán các khoản nợ của mình trong khi họ tìm kiếm một công việc mới.
Xác định tính thanh khoản của công ty
Tỉ lệ thanh toán ngắn hạn (current ratio)
Tỉ lệ thanh toán ngắn hạn hay tỉ lệ vốn luân chuyển (working capital ratio) cho biết doanh nghiệp có bao nhiêu đồng tài sản lưu động và đầu tư ngắn hạn để đảm bảo cho một đồng nợ ngắn hạn.
Tỷ số này càng cao chứng tỏ sức khỏe tài chính của công ty càng tốt và khả năng đáp ứng các nghĩa vụ tài chính của công ty càng mạnh.
Ví dụ, nếu một công ty có tài sản lưu động là 3 triệu USD và nợ ngắn hạn là 2 triệu USD, tỉ lệ thanh toán ngắn hạn là 3/2 = 1,5. Nếu công ty có tài sản là 8 triệu USD và nợ ngắn hạn vẫn ở mức 2 triệu USD, tỉ lệ thanh toán ngắn hạn là 8/2 = 4.
Tỉ lệ thanh toán nhanh (quick ratio)
Hệ số thanh toán nhanh cũng đo lường tài sản lưu động so với nợ ngắn hạn. Tuy nhiên, trong tính toán tài sản lưu động, nó chỉ sử dụng những tài sản có tính thanh khoản cao nhất: tiền mặt, chứng khoán thị trường và các khoản phải thu. Nó không bao gồm hàng tồn kho vì hàng tồn kho không thể được bán nhanh như các tài sản khác.
Tỉ lệ này càng cao chứng tỏ sức khỏe tài chính của công ty càng tốt.
Tỉ lệ thanh toán bằng tiền (cash ratio)
Tỉ lệ thanh toán bằng tiền đo lường khả năng thanh khoản của công ty, cụ thể là tỉ lệ tổng tiền và các khoản tương đương tiền của công ty với các khoản nợ hiện tại. Nếu một công ty có thể đáp ứng các nghĩa vụ tài chính của mình chỉ thông qua tiền mặt mà không cần phải bán bất kỳ tài sản nào khác, điều đó chứng tỏ công ty có sức khỏe tài chính cực kỳ mạnh mẽ.
Nếu một người có nhiều tiền tiết kiệm hơn số tiền họ mắc nợ, điều đó có nghĩa là họ có tính thanh khoản cao về mặt tài chính.
Các công ty có lượng tiền mặt và tài sản cao hơn có thể dễ dàng chuyển đổi thành tiền mặt cho thấy tình hình tài chính vững chắc vì họ có khả năng thanh toán các khoản nợ và chi phí, đây là những công ty tốt để đầu tư.
Tính thanh khoản của một khoản đầu tư cụ thể rất quan trọng vì nó cho biết mức độ cung và cầu của chứng khoán hoặc tài sản đó – và nó có thể được chuyển đổi thành tiền mặt nhanh chóng như thế nào khi cần.