Lạm phát cao nhất trong 30 năm đã đẩy giá hàng hóa cơ bản hàng ngày lên mức cao nhất.
Đến khi nào người tiêu dùng có thể kỳ vọng tình trạng lạm phát “đi” chậm lại!
Người Mỹ đang ngày càng bi quan về tình trạng của nền kinh tế Mỹ khi hàng ngày phải vật lộn với sự gia tăng của các mặt hàng tiêu dùng cơ bản hàng ngày.
Một cuộc thăm dò mới được công bố bởi Associated Press-NORC cho thấy chỉ 35% người Mỹ cho rằng nền kinh tế hiện tại vẫn tốt. Và có đến 65% người Mỹ nói rằng nước Mỹ đang đối mặt với nền kinh tế nghèo nàn, mặc dù tỷ lệ việc làm tăng trong tháng 10, tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mức thấp nhất ở mức 4,8%.
Điều đáng nói, đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa có vẻ đang mất niềm tin vào cách xử lý nền kinh tế của chính quyền Tổng thống Joe Biden. Chỉ 51% đảng viên Dân chủ kỳ vọng nền kinh tế sẽ tốt hơn (đầu năm là 70%). Gần 3/4 (74%) đảng viên đảng Cộng hòa nghĩ rằng nền kinh tế sẽ trở nên tồi tệ hơn (con số này tăng với mức 59% từ hồi đầu năm).
Trong bối cảnh lạm phát leo thang và chưa có dấu hiệu ngừng lại (không ai mong muốn) có vẻ như triển vọng về nền kinh tế Mỹ đang xấu đi. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ đã tăng 6,2% so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng 10, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 11/1990, tốc độ này đã vượt qua dự báo của Dow Jones và 5,9%. CPI lõi (không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng) tăng 4,6% so với năm ngoái. Cả hai đều là mức tăng lớn nhất kể từ năm 1990.
Lạm phát gia tăng ở mức tăng mạnh đang ăn mòn tiền lương và tiền công của người lao động Mỹ trong những tháng gần đây (lương thực tế ở Mỹ đã giảm 1,2% vào tháng trước so với tháng 10/2020 khi tính đến lạm phát).
Việc ép giá là một tin xấu đối với cả các quan chức chính quyền Biden cũng như các nhà hoạch định chính sách của FED. Nhiều người trong số họ cho rằng tình trạng lạm phát này chỉ là nhất thời và có khả năng thuyên giảm khi chuỗi cung ứng không còn tắc nghẽn bởi đại dịch Covid-19.
Dĩ nhiên, quan điểm lạc quan đó đã bị thách thức trong tuần này khi giá một loạt mặt hàng tăng vọt đáng kể: Tính đến tháng 10, giá xăng đã tăng gần 50%, giá thịt tăng 14,5% và giá thuê cơ bản đã tăng 3,5%.
Goldman Sachs cảnh báo lạm phát sẽ “tương đối cao trong nhiều năm tới”
Các nhà kinh tế của Goldman Sachs cảnh báo rằng sự tắc nghẽn chuỗi cung ứng do đại dịch gây ra có thể kéo dài hơn dự kiến. Trong khi nhu cầu sử dụng hàng hóa tăng cao mà các đơn vị sản xuất không đáp ứng kịp thời, điều đó đồng nghĩa với việc chỉ số lạm phát sẽ vẫn “tương đối cao trong nhiều năm tới”.
Các nhà kinh tế của Goldman Sachs dự đoán chỉ số PCE – thước đo ưa thích của FED sẽ tăng từ 3,6% lên 4,4% vào cuối năm 2021. Họ dự báo rằng lạm phát sẽ giảm xuống 2,3% vào cuối năm 2022 và 2,1% vào cuối năm 2023.
* PCE (Personal Consumption Expenditures): Chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân. Thống thường PCE được sử dụng để đo lường sự thay đổi giá cả trong hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng đã được trao đổi trong nền kinh tế. Nó thường được công bố vào hàng tháng trong dữ liệu của cục Phân tích Kinh tế (BEA). Chỉ số giá PCE là chỉ số lạm phát chính thường được FED sử dụng khi đưa ra các chính sách tiền tệ.
Norihiro Fujito, chiến lược gia Mitsubishi UFJ Morgan Stanley Securities lên tiếng: “Lạm phát rõ ràng là một rủi ro cần phải theo dõi. Nếu FED đánh giá sai đồng thời tăng lãi suất nhanh chóng thì sẽ có 1 vụ sụp đổ lớn xảy ra với cả thị trường chứng khoán”.
Dữ liệu cho thấy ảnh hưởng từ sự tắc nghẽn chuỗi cung ứng trên toàn thế giới đã khiến câu chuyện lạm phát vốn khó giải quyết nay thêm phần nhức nhối. Thế nhưng, các nhà đầu tư đặt triển vọng tình hình này sẽ giảm bớt, được kiềm chế thay vì tiếp tục gia tăng.
Hirokazu Kabeya, Giám đốc chiến lược toàn cầu tại Daiwa Securities, cho biết: “Nếu chúng ta vượt qua sóng mua sắm cuối năm có lẽ lạm phát có thể giảm xuống”.
“Doanh thu kinh doanh trong kỳ nghỉ lễ của Mỹ dự kiến sẽ tăng 8,5% đến 10% trong năm nay, người tiêu dùng được cho là có động thái mua sắm sớm bởi nỗi lo cháy hàng vì sự cố nguồn cung. Nếu kịch bản đúng như vậy, chúng ta có thể nhìn thấy con số bán lẻ vui mừng nhảy múa”, Hirokazu Kabeya nhấn mạnh
Zoe Nguyen (Nguồn Fox Business)