Dự kiến, từ 6/1/2022, mỳ ăn liền của Việt Nam sẽ phải kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật Ethylene Oxide, tần suất kiểm tra là 20%.
Mỳ ăn liền chịu tần suất kiểm tra 20%
Thông tin từ Bộ Công Thương, ngày 17/12, Uỷ ban châu Âu đã có công báo Quy định số (EU) 2021/2246 về việc áp dụng tạm thời các biện pháp kiểm soát chính thức và khẩn cấp một số thực phẩm được nhập khẩu vào EU.
Đối với Việt Nam, một số loại rau thơm, hoa quả, thực phẩm sẽ phải kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Cụ thể, tần suất kiểm tra sẽ là: Rau mùi tây 50%, rau mùi 50%, bạc hà 50%, húng quế 50%, đậu bắp 50%, thanh long 20%, hạt tiêu 50% và mỳ ăn liền 20%. Quy định này có hiệu lực vào ngày thứ 20 tính từ khi Ủy ban châu Âu đăng công báo.
Như vậy theo như dự kiến, từ 6/1/2022, mỳ ăn liền của Việt Nam sẽ phải chịu tần suất kiểm tra là 20% với dư lượng của Ethylene Oxide (Gồm cả ethylene oxide và 2-chloro-ethanol).
Lý do bởi, mỳ ăn liền là sản phẩm tổng hợp. Nếu sản phẩm có thêm trứng hoặc mỡ động vật thì cần thêm chứng thư của Cục Thú Y. Còn mỳ ăn liền nếu thuần túy từ thực vật, doanh nghiệp liên hệ với Cục Bảo vệ thực vật lấy chứng thư.
Một số lô mì ăn liền bị thu hồi trước đó
Trước đó, ngày 20/8, Cơ quan An toàn Thực phẩm Ireland (FSAI) ra thông báo thu hồi một số lô mì ăn liền do có chứa chất ethylene oxide; trong đó, có mì tôm chua cay Hảo Hảo và phở Good của Acecook Việt Nam, ngoài ra còn có mì hải sản Yato xuất xứ Trung Quốc.
Sau đó, cơ quan chức năng của Pháp yêu cầu thu hồi các sản phẩm mì Hảo Hảo, mì Đệ Nhất, mì lẩu thái Acecook, hủ tiếu và phở ăn liền Ricey trước ngày 31/1/2022 do chứa 2-chloroetanol (2- CE, chất chuyển hóa từ ethylene oxide – EO) vượt ngưỡng cho phép theo tiêu chuẩn của EU.
Đại diện Bộ Công Thương cho biết, đây là lô hàng đã được xuất khẩu từ tháng 7/2021. Đại diện Acecook Việt Nam cho hay, công ty đã chủ động thu hồi lô hàng trên tại thị trường Pháp để tránh những rủi ro liên quan từng gặp trước đây đối với chất EO.
Được biết, chất Ethylene oxide (viết tắt EO) không được phép sử dụng trong thực phẩm bán ở thị trường EU. Đây là một hợp chất hữu cơ thường ở dạng khí không màu. Chúng được sản xuất quy mô lớn, ứng dụng ở nhiều lĩnh vực sản xuất khác nhau.
EO có thể được sử dụng để kiểm soát côn trùng, vi sinh vật trong sản phẩm, thực phẩm khô, đặc biệt là với gia vị hoặc các loại thảo mộc như tiêu, ớt bột và quế… để diệt khuẩn Salmonella.
Theo thông tin từ phía Bộ Công Thương, giới hạn dư lượng EO cho phép đối một mặt hàng ở các quốc gia khác nhau. Bởi vậy, nó có thể đáp ứng được quy định của quốc gia, khu vực này nhưng lại vượt ngưỡng cho phép của quốc gia, khu vực khác. Vì thế, các doanh nghiệp cần nghiên cứu và thường xuyên cập nhật thông tin để có thể kiểm soát về tiêu chuẩn của sản phẩm trước khi xuất khẩu.
Xem thêm: Bộ Công Thương lên tiếng về lô mì Hảo Hảo bị thu hồi tại Pháp
Cát Anh (T/h)