Ấn Độ chính thức thông báo về việc dừng xuất khẩu một số loại gạo để hạ nhiệt giá cả trong nước.
Ấn Độ ban lệnh cấm xuất khẩu đối với một số loại gạo
Tổng cục Ngoại thương (thuộc Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ) hôm 20/7 chính thức có thông báo về việc dừng xuất khẩu các loại gạo không phải là Basmati (một loại gạo phổ biến tại Nam Á) để bình ổn giá trong nước. Thông báo này được biết sẽ có hiệu lực ngay lập tức.
Như vậy, việc xuất khẩu sẽ chỉ được thực hiện trong trường hợp giới chức Ấn Độ cho phép, theo yêu cầu của chính phủ nước khác với mục đích đảm bảo an ninh lương thực tại nước đó. Đối với các đơn hàng được ký từ trước, sẽ vẫn được phép hoàn thành giao dịch. Theo chia sẻ của Chính phủ Ấn Độ, quyết định này của họ sẽ tác động đến 25% tổng gạo xuất khẩu trong nước.
Những lo ngại trước mắt
Trong bối cảnh các nước lo ngại El Nino phá hủy mùa màng, có thể lệnh cấm giúp hạ nhiệt giá gạo tại Ấn Độ, tuy nhiên lại gây sức ép đối với giá toàn cầu. Do căng thẳng Nga – Ukraine, giá nhiều loại ngũ cốc lớn khác cũng đang tăng vọt. Ngoài cấm xuất khẩu một số loại gạo, hiện Ấn Độ còn đang hạn chế xuất khẩu lúa mỳ và đường.
Gạo là lương thực thiết yếu với nửa dân số thế giới. Trong đó, châu Á tiêu thụ 90% nguồn cung toàn cầu. Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu Gạo Ấn Độ – B.V. Krishna Rao cho biết: “Động thái này sẽ là đòn giáng với thương mại. Chúng tôi sẽ đề nghị chính phủ cân nhắc lại lệnh cấm ngay khi tình hình cải thiện”.
Vấn đề nước này đang phải vật lộn, đối mặt chính là lạm phát. Giá nhiều loại lương thực, hoa quả và rau củ tăng vọt. Theo số liệu từ Bộ Lương thực Ấn Độ, chỉ tính năm nay, giá gạo bán lẻ tại Delhi đã tăng tới 15%. Trong khi đó, giá trung bình cả nước tăng 8%. Kể từ đầu năm 2023, giá cà chua tại Delhi cũng tăng hơn 5 lần bởi mưa lớn tại nhiều khu vực.
Trong hoạt động kinh doanh gạo trên toàn cầu, Ấn Độ hiện đóng góp khoảng 40%. Năm ngoái, do xung đột Nga – Ukraine kéo giá lương thực thiết yếu như ngô và lúa mỳ lên cao, nước này đã cấm xuất khẩu gạo tấm và áp thuế 20% với gạo trắng, lứt.
Ấn Độ hiện cung cấp gạo cho hơn 100 quốc gia với các khách hàng lớn nhất như Trung Quốc, Senegal, Bờ Biển Ngà.