Ông Võ Quốc Thắng (Bầu Thắng) đề xuất ý tưởng làm bus container để tăng năng lực vận tải cho miền tây và giảm chi phí logistic.
Ý tưởng bus container của Bầu Thắng
Tại tọa đàm phát triển cảng biển và logistics Đồng bằng sông Cửu Long diễn ra vào chiều 19/3, ông Võ Quốc Thắng nói muốn cùng một số doanh nghiệp hình thành nên các điểm trung chuyển và hàng chục, hàng tăm những tàu bus nhận hàng ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Ông Thắng gọi ý tưởng của mình là “bus container”. Theo ông, việc đầu tư đường bộ ở Đồng bằng sông Cửu Long rất tốn kém, cần phải suy nghĩ đầu tư, khai thác hệ thống đường thủy. Bus container có thể giúp tiết kiệm chi phí so với hệ thống đường bộ đang bị rơi vào tình trạng quá tải ở miền Tây.
Theo ông thắng, ý tưởng hướng đến mục tiêu kéo chi phí logistics xuống thấp nhất. Ông cho rằng, một chiếc sà lan nhỏ có thể chở hàng nghìn tấn hàng. Trong khi đó, nếu chia ra thì cần khoảng 50 xe đầu kéo chạy, kéo theo sự ô nhiễm môi trường.
Chia sẻ tại sự kiện, ông Thắng tiết lộ việc một số doanh nghiệp và nhà đầu tư sẵn sàng tham gia ý tưởng này.
Theo thông tin từ Bộ Giao thông Vận tải, dù là vùng sản xuất hàng hóa nông sản, thủy sản lớn nhất cả nước với hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt nhưng có đến 80% hàng hóa ở Đồng bằng sông Cửu Long chuyển bằng đường bộ.
Trong khi đó, theo nhận định của Giám đốc VCCI tại Cần Thơ, ông Nguyễn Phương Lam thì những nút thắt trong dòng chảy kinh tế của vùng chính là tắc nghẽn quốc lộ 1, quá tải kênh Chợ Gạo. Ông nói, trong tương lai, nhu cầu vận tải còn lớn hơn với các FTA, áp lực logistics vì thế cao hơn nữa.
Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải đưa số liệu cho thấy, 36.000/tổng số 44.000 km đường bộ vùng này là đường giao thông nông thôn. Dù xây dựng tới 80 km đường cao tốc nhưng đang khai thác chính thức chỉ là 36 km, chiếm 4% cả nước.
Không chỉ đường bộ, đường thủy cũng kém phát triển. Theo ông Phạm Minh Hải, đại diện Viện Chiến lược và Phát triển thì cả vùng có có 6 luồng và 12 cảng biển, nhưng chỉ chiếm 3,4% tổng sản lượng hàng hóa qua cảng cả nước. Trong đó, một số điểm nghẽn giao thông đường thủy như sạt lở, ùn tắc kênh Chợ Gạo lại chưa có các bến gom hàng hóa các tỉnh, chưa có mạng lưới nối.
Khó hiện thực hóa ý tưởng bus container
Về ý tưởng của ông Thắng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển logistics Việt Nam – PGS.TS. Hồ Thị Thu Hòa cho biết, dù có hệ thống chằng chịt với tổng chiều dài gần 28.000 km nhưng đường thủy chỉ đóng vai trò tập kết, thu gom quy mô nhỏ.
Theo nghiên cứu của Viện này, đường thủy theo lý thuyết sẽ có chi phí vận chuyển thấp hơn đường bộ. Nhưng trên thực tế, nó có thể ngược lại tại Đồng bằng sông Cửu Long do hạ tầng kém.
Bà Hòa khẳng định: “Nếu muốn tận dụng được thủy nội địa phải có hạ tầng phù hợp để dùng sà lan quy mô lớn”.
Chưa kể, khảo sát của Viện Nghiên cứu và Phát triển logistics Việt Nam cho thấy, việc di chuyển sà lan sẽ chậm hơn 4 lần so với đường bộ. Trong khi đó, hàng nông sản tươi đòi hỏi vận chuyển nhanh. Bởi vậy đường thủy sẽ khó cạnh tranh với đường bộ. Hơn nữa,đường bộ còn giao được door-to-door (chuyển từ kho người gửi đến kho người nhận) và tiết kiệm chi phí xếp dỡ.
Về vấn đề này, bản thân ông Thắng và các doanh nghiệp ủng hộ “bus container” cũng đồng ý với việc để ý tưởng khả thi thì hạ tầng phải được quan tâm cải tạo.