Đây là thực tế tại Bình Dương khiến cho hồ sơ xin phép hoạt động trở lại của các doanh nghiệp tại tỉnh này bị “ngâm” khá lâu.
Doanh nghiệp Bình Dương than khó !
Hội thảo trực tuyến “tháo gỡ cho doanh nghiệp trong trạng thái bình thường mới sống chung với COVID-19″ do Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương (BIFA) tổ chức ngày 7/10.
Rất nhiều ý kiến phát biểu của doanh nghiệp tại hội thảo kiến nghị cần bỏ cơ chế “xin – cho” mà cần để doanh nghiệp tự quyết định việc hoạt động trở lại sau thời gian giãn cách xã hội.
Theo các doanh nghiệp, nhân sự của cơ quan quản lý nhà nước có hạn nên có tình trạng doanh nghiệp nộp hồ sơ xin phép hoạt động theo mô hình “3 xanh” (nhà máy xanh, công nhân xanh, nhà trọ xanh) hoặc “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 điểm đến” nhưng bị “ngâm” hồ sơ, chậm trả lời.
Hiện nay Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương đang quản lý khoảng 3.900 doanh nghiệp nhưng tổng cộng chỉ có khoảng 50 nhân sự, nên không thể nào đi kiểm tra từng doanh nghiệp.
Đối với các doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp, Bình Dương hiện có trên 50.000 doanh nghiệp, nếu chia bình quân mỗi huyện, thị xã quản lý từ 10.000 – 12.000 doanh nghiệp thì cũng không thể xem xét kịp thời cho từng doanh nghiệp.
Tham dự hội thảo, ông Nguyễn Thanh Toàn – giám đốc Sở Công thương – cho biết lãnh đạo tỉnh đã nhận được nhiều kiến nghị cho doanh nghiệp tự chủ trong việc hoạt động trở lại. Dự kiến tỉnh sẽ có văn bản hướng dẫn chấp thuận kiến nghị này, sẽ giao quyền tự chủ cho doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước chỉ hậu kiểm.
Một số doanh nghiệp kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước cần có chính sách để đưa công nhân trở lại Bình Dương thông qua việc xin trung ương nguồn vắc xin để ưu tiên tiêm cho người lao động từ các tỉnh trở lại.
Ông Nguyễn Thanh Toàn cho biết hiện Bình Dương vừa được phân bổ 1 triệu liều vắc xin Vero Cell của Sinopharm và các loại vắc xin khác. Vì vậy, trong tháng 10 sẽ đẩy nhanh tăng tỉ lệ tiêm vắc xin mũi 2.
Ông Toàn cho biết hiện Bình Dương đã cho phép các doanh nghiệp tự xét nghiệm và tự cấp giấy để cho người lao động đi lại. Bình Dương đã tiếp cận được nguồn que test từ Hàn Quốc với giá dưới 65.000 đồng/test. Nếu test mẫu “gộp 3” và với tần suất 3 ngày/lần thì chi phí cho mỗi công nhân sẽ dưới 10.000 đồng/ngày. Khi tỉ lệ công nhân được tiêm 2 mũi tăng lên thì chi phí test sẽ tiếp tục giảm, vì những người này chỉ phải test 7 ngày/lần.
Về việc một số tỉnh lân cận với Bình Dương yêu cầu phải có giấy xét nghiệm do cơ sở y tế cấp, chưa chấp nhận giấy xác nhận do doanh nghiệp cấp, đại diện Sở Công thương tỉnh Bình Dương ghi nhận và cho hay sẽ báo cáo lãnh đạo tỉnh để tìm giải pháp tháo gỡ.
Sẽ tính toán giảm tối thiểu chi phí xét nghiệm
Cùng ngày, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh tổ chức Hội nghị trực tuyến với Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) cùng 20 doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam.
Đánh giá cao kế hoạch khôi phục kinh tế-xã hội của tỉnh Bình Dương trong trạng thái bình thường mới, tuy nhiên, các doanh nghiệp Mỹ cũng nêu ra nhiều vấn đề khó khăn hiện nay. Đó là việc thiếu nguồn lao động trầm trọng do công nhân đã về quê tránh dịch.
Bên cạnh đó, mô hình “3 tại chỗ” đang áp dụng đã ảnh hưởng lớn đến tâm lý người lao động. Chưa có hướng dẫn cụ thể trong việc xử lý khi có F0 xuất hiện tại nhà máy. Việc đi lại giữa các tỉnh, thành cũng đang gây khó khăn cho công nhân các công ty. Chi phí xét nghiệm cho công nhân lao động rất tốn kém; công nhân chưa được tiêm vắc xin mũi 2…
ông Võ Văn Minh cho biết, hiện tại, tỉnh cơ bản đã khống chế được dịch bệnh, tuy nhiên vẫn còn tiềm ẩn rủi ro cao. Trong thời gian dịch bệnh, Bình Dương đã chăm lo tốt đời sống người lao động, nhất là lao động khó khăn không có việc làm ở các khu nhà trọ. Chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, đến thời điểm này, gần 90% doanh nghiệp trong khu công nghiệp đã hoạt động trở lại theo mô hình “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 địa điểm”, “3 xanh”.
Đối với các vấn đề doanh nghiệp kiến nghị, ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, tỉnh đã ban hành văn bản số 4988, theo đó các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ở các “vùng xanh” đủ điều kiện để hoạt động theo mô hình “3 xanh”, tức là người lao động được đi đến doanh nghiệp làm việc và về trong ngày. Các doanh nghiệp đang thực hiện “3 tại chỗ” ở “vùng xanh” cũng có thể cho người lao động về nhà.
Đối với việc xử lý khi có F0 trong nhà máy, ông Minh thông tin, thời gian qua, chính quyền tỉnh đã phối hợp tốt với doanh nghiệp trong việc xử lý các F0, không để dịch bệnh lây lan rộng nên các doanh nghiệp vẫn duy trì sản xuất bình thường. Sắp tới, khi công nhân đã được tiêm đầy đủ 2 mũi vắc xin thì quá trình xử lý F0, cách ly F1 cũng thuận tiện. Tỉnh cũng đã giao Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh là đầu mối để đoanh nghiệp liên hệ khi có F0.
Liên quan đến việc tiêm vắc xin cho công nhân, tỉnh đã chỉ đạo Ban Quản lý các khu công nghiệp thần tốc triển khai tiêm vắc xin cho công nhân, nhất là công nhân đang hoạt động “3 tại chỗ”. Hiện nay, năng lực tiêm của tỉnh đạt 150.000 liều/ngày, do đó, khoảng trong tháng 10 sẽ phủ hết vắc xin mũi 2 cho tất cả người dân từ 18 tuổi trở lên trên địa bàn tỉnh.
Riêng vấn đề đi lại của người lao động, Sở Giao thông vận tải đã ban hành hướng dẫn việc đi lại của người lao động trong nội tỉnh, trong đó, người lao động có thể di chuyển giữa các “vùng xanh” nhưng phải đáp ứng các điều kiện phòng, chống dịch. Đối với việc di chuyển giữa TP.Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương, tỉnh đã có văn bản trao đổi với TP.Hồ Chí Minh về phương án di chuyển.
Sở Giao thông vận tải tỉnh sẽ làm việc với các tỉnh, thành để thống nhất phương án triển khai sớm. Tỉnh đã phối hợp với TP.Hồ Chí Minh có kế hoạch thí điểm phương án cho phép người lao động đi lại bằng xe máy giữa TP.Thủ Đức (TP.Hồ Chí Minh) và TP.Thuận An, Dĩ An (Bình Dương). Tỉnh cũng đã có kế hoạch đón người lao động trở lại Bình Dương làm việc trong thời gian tới.
Mong muốn doanh nghiệp chia sẻ với Bình Dương về quy định xét nghiệm 02 lần/tuần cho công nhân lao động, ông Võ Văn Minh cho biết, quy định này nhằm giữ được an toàn trong phòng, chống dịch tại các “vùng xanh”, ngăn chặn nguy cơ bùng dịch tại các khu vực nhà trọ của công nhân. Do đó, các doanh nghiệp cố gắng phối hợp với chính quyền địa phương trong việc xét nghiệm và xác nhận kết quả xét nghiệm cho người lao động. Tỉnh sẽ tính toán phương án giảm tối thiểu chi phí xét nghiệm cho doanh nghiệp.
Về tình hình dịch bệnh tại Bình Dương, theo báo cáo của Sở Y tế, ngày 06/10/2021, Bình Dương có thêm 1.813 bệnh nhân xuất viện, nâng tổng số bệnh nhân khỏi bệnh xuất viện tính từ đợt dịch thứ 4 trên địa bàn tỉnh lên 200.960 người.
Trong ngày 06/10/2021, thực hiện xét nghiệm nhanh diện rộng cho 63.272 người, phát hiện 641 trường hợp dương tính (chiếm tỷ lệ 1,01%). Bình Dương cũng ghi nhận 852 ca mắc Covid-19 qua xét nghiệm RT-PCR và đã có đầy đủ các thông tin dịch tễ, giảm 255 ca so với ngày 05/10/2021.
Trong ngày thu dung 859 bệnh nhân; 16 bệnh nhân tử vong. Tính từ đợt dịch thứ 4, tỉnh Bình Dương ghi nhận 218.812 ca mắc Covid-19; 2.115 ca tử vong.
Hiện tại có 24.618 bệnh nhân đang điều trị. Trong đó, điều trị tại nhà: 2.815 bệnh nhân, cơ sở điều trị: 21.803 bệnh nhân.
Toàn tỉnh đang có 1.287 khu vực phong tỏa, gồm: Thuận An: 247; Phú Giáo: 08; Dĩ An: 621; Dầu Tiếng: 04; Bến Cát: 211; Tân Uyên: 102, Bắc Tân Uyên: 07; Thủ Dầu Một: 87, với 103.584 người trong khu vực phong tỏa.
Hiện tại, Bình Dương không còn xã, phường nguy cơ rất cao (vùng đỏ) và nguy cơ cao (vùng cam); có 03 xã, phường nguy cơ (vùng vàng) và 88 xã, phường bình thường mới (vùng xanh). Phường Thái Hòa (TX. Tân Uyên) giảm mức độ nguy cơ từ “vùng nguy cơ” thành “vùng bình thường mới”.