Sự trượt dốc hiện tại trên thị trường chứng khoán Mỹ dường như sẽ không thể khiến các quan chức Fed sợ hãi và chùn bước với đường lối chính sách hiện tại của họ.
Mặc dù chứng khoán Mỹ đã giảm mạnh trong thời gian gần đây, Phố Wall tin rằng Cục Dự trữ Liên bang sẽ không “mềm lòng” thay đổi quyết định tăng lãi suất và thu hẹp bảng cân đối kế toán.
Trong lịch sử, sự sụt giảm mạnh của thị trường chứng khoán Mỹ và các tài sản rủi ro khác đã khiến Fed phải tạm dừng việc thắt chặt chính sách, tuy nhiên sự đặt cược của thị trường vào việc tăng lãi suất trong năm nay vẫn không hề dao động. Nhiều nhà kinh tế dự đoán FED sẽ tăng lãi suất thêm 0,25 điểm % từ mức hiện tại (đang gần 0%) vào tháng 3 tới. Mức tăng lãi suất cả năm 2022 dự kiến sẽ gần bằng 1 điểm %.
Kể từ sau khi đại dịch bùng phát, các chính sách nới lỏng thanh khoản của Fed đã đẩy mức lạm phát của Mỹ hiện nay lên tới mức cao nhất trong gần 40 năm, do đó, việc Cục Dự trữ Liên bang phải điều chỉnh chính sách tiền tệ là cấp thiết.
Các ngân hàng lớn nhất của Phố Wall, bao gồm Goldman Sachs và Bank of America, tin rằng Fed sẽ đưa ra quyết định “diều hâu” hơn với mức lạm phát hiện tại, điều này có thể đồng nghĩa với việc tăng lãi suất nhiều hơn và các biện pháp khác để đảo ngược dòng tiền lỏng lẻo nhất trong lịch sử của Mỹ.
Peter Boockvar, Giám đốc đầu tư tại Bleakley Advisory Group, chỉ ra rằng lạm phát cao hiện nay là kết quả từ sự thất bại trong chính sách được Cục Dự trữ Liên bang thông qua vào năm 2020. Nếu Fed từ bỏ việc thắt chặt chỉ vì thị trường đi xuống, điều đó sẽ gây tổn hại đến uy tín của Fed. Fed phải thể hiện sự tín nhiệm của mình trong việc kiểm soát lạm phát. Chu kỳ chính sách cũng quy định rằng Fed phải hành động, và với lãi suất ở mức 0% và lạm phát ở mức 7%, Fed không còn lựa chọn nào khác.
“Chỉ số S&P 500 giảm 10%. Nhưng con số này không đủ để Fed chùn bước. Họ phải thể hiện mình đáng tin cậy trong cuộc chiến chống lạm phát. Nhún nhường thị trường quá nhanh trong khi chưa làm được gì với lạm phát sẽ khiến Fed bị xấu mặt”.
Trong quá khứ, Fed đã không ít lần thay đổi đổi lập trường của mình và tạm dừng thắt chặt chính sách sau sự sụt giảm trên toàn thị trường. Gần đây nhất, các nhà hoạch định chính sách đổi ý sau khi chuỗi tăng lãi suất lên đến đỉnh điểm vào tháng 12/2018. Những lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu trong bối cảnh Fed thắt chặt chính sách đã dẫn đến thị trường đêm Giáng sinh tồi tệ nhất trong lịch sử năm đó, và Fed sau đó đã cắt giảm lãi suất để trấn an các nhà đầu tư.
Lần này, mặc dù chứng khoán Mỹ đã giảm mạnh nhưng thị trường trái phiếu lợi suất cao (trái phiếu rác) của Mỹ tạm thời bình lặng. Thị trường trái phiếu rác đang áp dụng cách tiếp cận “chờ và xem”, với các nhà đầu tư vẫn tin tưởng vào sự tăng trưởng kinh tế của Mỹ rằng các công ty trong lĩnh vực này sẽ tiếp tục tạo ra dòng tiền tự do.
Sự bình tĩnh tương đối ở một số thị trường đã giữ cho thị trường tài chính nói chung của Mỹ không bị bán tháo nghiêm trọng như trong năm 2018. Trước khi tài sản rủi ro bị bán tháo mạnh hơn nữa, Fed sẽ không ngại rằng tăng lãi suất và giảm quy mô bảng cân đối kế toán trong 2022 có nhiều khả năng gây ra suy thoái thay vì một cuộc hạ cánh cứng.