Thị trường chứng khoán Mỹ nhuộm sắc đỏ trong phiên giao dịch đầy biến động ngày thứ Tư (26/1), sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Jerome Powell phát tín hiệu rằng ngân hàng trung ương này có nhiều dư địa để nâng lãi suất.
Vào thứ Tư, ngày 26/1, Chủ tịch Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), ông Jerome Powell, mô tả tình hình lạm phát hiện tại còn tồi tệ hơn tháng 12/2021. Ông Jerome Powell cho rằng “còn khá nhiều dư địa” để tăng lãi suất mà không lo thị trường lao động bị tổn hại. Chủ tịch Fed cũng lo ngại giá cả có thể tiếp tục lên cao và “rủi ro lạm phát tăng là rất lớn”.
Thậm chí, chủ tịch Fed còn dự báo, cơ quan này sẽ thu hẹp bảng cân đối kế toán ngay sau khi quá trình tăng lãi suất bắt đầu. Các nhà phân tích cho biết Fed ám chỉ việc tăng lãi suất trong tháng 3 phù hợp với kỳ vọng của thị trường.
Trước khi Cục Dự trữ Liên bang công bố quyết định về chính sách tiền tệ của mình, cổ phiếu công nghệ đã dẫn hầu hết các lĩnh vực của thị trường chứng khoán Mỹ phục hồi. Sáu cổ phiếu công nghệ lớn bao gồm Apple, Microsoft và Tesla đã tăng giá chung ít nhất 2% trong suốt phiên giao dịch.
Mảng kinh doanh đám mây duy trì doanh thu trong quý 4 năm ngoái. Microsoft, công ty có tốc độ tăng trưởng cao gần 50% và doanh thu cao hơn dự kiến cho quý đầu tiên, tăng 2,9%.
Trong cuộc họp báo của ông Powell, ba chỉ số chứng khoán chính của Mỹ lần lượt giảm điểm. Chỉ số Dow, vốn đã tăng hơn 500 điểm vào đầu phiên giao dịch, giảm 129,64 điểm, tương đương 0,4%, xuống 34.168,09 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,2%, còn 4.349,93 điểm. Chỉ số Nasdaq gần như đi ngang, chốt ở mức 13.542,12 điểm.
Ngày thứ Tư đánh dấu phiên giao dịch như “tàu lượn siêu tốc” thứ 3 liên tiếp đối với thị trường, bao gồm sự phục hồi hơn 1.000 điểm đối với chỉ số Dow vào thứ Hai.
Sau cuộc họp báo của Powell, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm chuẩn lần đầu tiên tăng trên 1,80% và tiếp tục tăng sau cuộc họp báo. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn một năm đã tăng thêm hơn 10 điểm cơ bản, mức tăng lớn nhất trong gần hai năm kể từ khi bùng phát dịch bệnh ở Mỹ; chỉ số đô la Mỹ tăng lên 96,50, mức cao mới kể từ cuối tháng 12 năm ngoái.
Trong số các mặt hàng, khẩu vị rủi ro của thị trường đã hồi phục, thị trường dầu lo ngại tình hình căng thẳng nguồn cung sẽ xấu đi do xung đột giữa Nga và Ukraine, giá dầu thô quốc tế tiếp tục tăng, và dầu thô Brent lần đầu tiên xuyên thủng mốc 90 USD kể từ tháng 10 năm 2014. Vàng đã giảm từ mức cao nhất trong hai tháng, lần đầu tiên giảm hơn 1% trong một ngày trong gần ba tuần.
Edward Moya, chuyên gia phân tích thị trường cao cấp tại Oanda nhận định: “Sau khi nghe ông Powell nói, rủi ro lãi suất tăng mạnh hơn dự kiến trở nên hiện hữu hơn trước và đợt tăng điểm của Phố Wall mất đà”.
Ông David Zervos, Giám đốc chiến lược thị trường tại ngân hàng đầu tư Jefferies nhận xét: “Jerome Powell không muốn đi vào lịch sử với vai trò là người hủy hoại thành tích chống lạm phát 40 năm qua của Fed chỉ vì ông quá nuông chiều thị trường lao động. Hôm nay, ông Powell tỏ ra rất quan ngại về vấn đề lạm phát, muốn lạm phát đi xuống và ông sẽ hành động chứ không ngồi đợi rồi cầu mong điều đó tự xảy ra”.
Cả ba chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đều ảm đạm trong tháng đầu năm 2022. Nasdaq hiện nằm trong vùng điều chỉnh, giảm hơn 13% trong tháng này. S&P 500 đã mất hơn 8% trong tháng và gần 10% so với đỉnh gần nhất.