Trong báo cáo triển vọng ngành quý 2/2022 với chủ đề “Mùa biển động”, CTCP Chứng khoán BIDV (BSC) cho rằng xu hướng lựa chọn kênh đầu tư chứng khoán sẽ là một trong các kênh đầu tư chính của người dân trong giai đoạn dài hạn, khi thu nhập bình quân đầu người cải thiện. Đây là điều đã xảy ra với các thị trường mới nổi và phát triển khác.
Tuy nhiên, BSC cho rằng năm 2022 chắc chắn sẽ là năm không dễ dàng cho các nhà đầu tư khi thị trường có các yếu tố thuận chiều và nghịch chiều đan xen nhau. Nhà đầu tư cần xem xét và thật cẩn trọng khi đưa ra quyết định đầu tư vào thời điểm này.
Về yếu tố thuận chiều, BSC điểm tên một số yếu tố như: (1) Tăng trưởng GDP duy trì mức cao ~6,5%YoY; (2) Kinh tế phục hồi hậu Covid-19, hưởng lợi từ việc dịch chuyển sản xuất; (3) Tăng trưởng lợi nhuận bình quân các DNNY duy trì mức 2 chữ số và (4) Khả năng nâng hạng thị trường vào 2024-2025.
Đội ngũ phân tích BSC dự báo tăng trưởng lợi nhuận sau thuế các doanh nghiệp vẫn duy trì mức tăng trưởng khả quan 22%. BSC đánh giá đây là mức tăng trưởng khả quan dựa trên mức nền tăng trưởng cao năm 2021 là 47%. Mức tăng trưởng khả quan đến từ các nhóm ngành như Ngân hàng (+26%YoY), Dầu khí (+176%YoY), Hàng không (+165%YoY), Xuất khẩu (+30%YoY), Bán lẻ (+28%YoY), CNTT- Viễn thông (+22%YoY).
Đáng chú ý, BSC định giá thị trường hiện tại đang ở vùng tương đối hấp dẫn. Với việc thị trường ghi nhận điều chỉnh mạnh từ đầu tháng 4 trở lại đây, PE trailing của thị trường đang giao dịch ở mức 15,6 lần tại ngày 20/04/2022. Đồng thời, BSC dự phóng triển vọng tăng trưởng LNST các doanh nghiệp ở mức 22% tăng trưởng, tương đương với mức tăng trưởng EPS sau pha loãng khoảng 17% (tỷ lệ pha loãng giai đoạn 2019-2021 là 5%), PE FWD của VN-Index đang ở mức 13,3 lần.
BSC đánh giá đây là mức hấp dẫn so với tiềm năng tăng trưởng kinh tế, hiệu suất hoạt động (ROE =16% cao nhất khu vực) và lợi nhuận ngành. So sánh với các nước trong khu vực PE FWD của Việt Nam (13,2 lần) vẫn ghi nhận mức hấp dẫn so với bình quân (15,3 lần).
Trái lại, về các “cơn gió ngược chiều”, BSC lưu ý rằng vẫn tồn tại những rủi ro tiềm ẩn của (1) Lạm phát trong bối cảnh giá nguyên vật liệu tăng mạnh do chiến tranh Nga – Ukraina, (2) FED bắt đầu tăng lãi suất thêm 0.25 điểm phần trăm và dự đoán sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong sáu kỳ họp tiếp theo, (3) Rủi ro về suy thoái kinh tế thế giới, (4) Đứt gãy nguồn cung do chính sách Zero Covid của TQ.
Do đó, chứng khoán BIDV cho rằng “sự dễ dãi” của dòng tiền trong năm 2021 sẽ không còn, nhà đầu tư sẽ không thấy tình trạng “thuyền lên nước lên” mà thị trường chứng khoán sẽ chứng kiến sự phân hóa rõ rệt và khả năng lựa chọn cổ phiếu sẽ là yếu tố trọng yếu đến hiệu suất của nhà đầu tư. Tâm điểm hướng đến của dòng tiền là các doanh nghiệp có nền tảng cơ bản tốt có câu chuyện riêng đi kèm yếu tố tăng trưởng lợi nhuận và bảng cân đối tài chính khỏe mạnh.
Nhóm ngành nào sẽ là nhóm ngành dẫn dắt sắp tới?
Theo dữ liệu của Bloomberg và tính toán của BSC, BSC chia làm 3 nhóm vốn hóa lớn (>15.000 tỷ), nhóm vốn hóa vừa (3.000 tỷ đến =<15.000 tỷ), nhóm vốn hóa nhỏ (<=3.000 tỷ).
Các chuyên gia phân tích BSC cho rằng giai đoạn trong Q1/2022, nhóm vốn hóa vừa ghi nhận mức tăng trưởng mạnh về giá cổ phiếu giúp cho PE nhóm này ghi nhận đạt mức đỉnh khoảng 21 lần. Điều này có thể đến từ việc kỳ vọng KQKD nhiều nhóm ngành Thủy sản phân bón, Hóa chất, Dệt may ghi nhận mức tăng trưởng mạnh và đã phản ánh về giá.
Trong khi đó, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn tuy cũng kỳ vọng ghi nhận mức tăng trưởng về lợi nhuận khả quan năm 2022 như ngành Ngân hàng, Bất động sản bán lẻ, tuy nhiên giá cổ phiếu nhóm ngành này đang có mức “underperform” so với hai nhóm còn lại.
BSC lưu ý, hiện tại nhóm ngành vốn hóa lớn chỉ đang giao dịch ở mức 13,9 lần, tính đến ngày 23/04/2022 trong khi đó kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận 2 chữ số. Bởi vậy, BSC kỳ vọng nhóm cổ phiếu vốn hóa sẽ là tâm điểm cho thị trường giai đoạn nửa cuối năm 2022.