Trong số các nhiệm vụ, giải pháp nhằm phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân cao nhất vốn đầu tư công năm 2021, Thủ tướng yêu cầu cá thể hóa trách nhiệm đến từng cá nhân; coi kết quả giải ngân là một trong những căn cứ quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ hằng năm của tổ chức, cá nhân liên quan.
Tỷ lệ giải nâng vốn đầu tư thấp
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dự kiến đến ngày 30/9/2021 ước giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước đạt trên 218.550 tỷ đồng, đạt 47,38% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn tỷ lệ giải ngân của cùng kỳ năm 2020 (56,33%). Trong đó, vốn trong nước đạt 51,71% (cùng kỳ năm 2020 là 60,88%), vốn nước ngoài đạt 12,69% (cùng kỳ năm 2020 đạt 21,65%). Tỷ lệ giải ngân vốn được đánh giá là khá chậm.
Việc phân bổ, giao kế hoạch, giải ngân vốn đầu tư công có tác động lớn đến kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội năm 2021. Bởi thế, cần phải thực hiện nhanh, hiệu quả và phải đảm bảo đúng pháp luật.
Vừa qua, rà soát của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, đến nay, mới có 4 bộ và 11 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 60%. Đến hết tháng 9/2021, có tới 46/50 bộ, cơ quan trung ương và 52/63 địa phương giải ngân dưới 60% kế hoạch vốn ngân sách trung ương đã được giao từ đầu năm 2021.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc giải ngân vốn đầu tư công chậm như công tác chuẩn bị dự án, giao kế hoạch ở một số địa phương còn thiếu chủ động; công tác tổ chức triển khai thực hiện tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương còn nhiều bất cập; các cấp, các ngành chưa thực sự vào cuộc, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được đề cao, chưa rõ nét…
Ngoài ra, nhiều dự án lớn đang phải thực hiện các thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh hiệp định vay với nước ngoài nên chưa đủ cơ sở pháp lý để triển khai hoạt động… cũng ảnh hưởng đến quá trình giải ngân vốn.
Bên cạnh đó, còn là vướng mắc liên quan đến các quy định tại Luật Đầu tư công năm 2019; các nghị định hướng dẫn về thẩm quyền thẩm định thiết kế, dự toán đầu tư dự án không có cấu phần xây dựng; thẩm quyền phê duyệt dự toán nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư, nhiệm vụ quy hoạch; thủ tục nhập cảnh cho các chuyên gia dự án ODA, thủ tục về điều chỉnh dự án, quy định về điều chỉnh chủ trương đầu tư các dự án ODA…
Một trong những nguyên nhân tác động không nhỏ chính là dịch Covid-19 bùng phát khiến các địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội, ảnh hưởng tới các hoạt động tư vấn như khảo sát, thiết kế và cả thi công công trình…
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc với các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương về đẩy mạnh giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương 4 cơ quan Trung ương và 11 địa phương tính đến hết tháng 9/2021 đã giải ngân đạt trên 60% kế hoạch được giao.
Thủ tướng đồng thời phê bình nghiêm khắc và yêu cầu 36 bộ, cơ quan Trung ương và 8 địa phương giải ngân vốn dưới 40% kế hoạch giao (không bao gồm các địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg) kiểm điểm rút kinh nghiệm, làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan, trên cơ sở đó đề ra giải pháp phù hợp để đẩy mạnh giải ngân trong thời gian tới.
Quyết liệt đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tập trung thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân cao nhất vốn đầu tư công năm 2021.
Theo đó, tiếp tục thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19, bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất, xuyên suốt từ Trung ương đến cơ sở đi đôi với tăng cường phân cấp, nâng cao tinh thần trách nhiệm, sự chủ động, sáng tạo, linh hoạt của các cấp, các ngành, các địa phương.
Triển khai thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết của Chính phủ: số 01/NQ-CP ngày 01/01/2021, số 45/NQ-CP ngày 16/4/2021, số 63/NQ-CP ngày 29/6/2021; các Nghị quyết Phiên họp Chính phủ thường kỳ; Công điện số 1082/CĐ-TTg ngày 16/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ và các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2021.
Các đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan Trung ương, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy vai trò của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện; thường xuyên rà soát, đôn đốc, kịp thời phát hiện và tháo gỡ các khó khăn vướng mắc phát sinh của từng dự án, nhất là các dự án trọng điểm. Ngoài ra, cần cá thể hóa trách nhiệm đến từng cá nhân; coi kết quả giải ngân là một trong những căn cứ quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ hằng năm của tổ chức, cá nhân liên quan.
Đề cao kỷ luật, kỷ cương, tăng cường kiểm tra, giám sát. Tiến hành xử lý nghiêm các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu cố tình gây khó khăn, cản trở làm chậm tiến độ giao vốn, giải ngân vốn. Đồng thời, kiểm điểm, xử lý kịp thời các cán bộ yếu kém, tiêu cực, không hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Ngay từ khâu chuẩn bị dự án, lựa chọn dự án giao vốn đến công tác thiết kế, đấu thầu, thi công, thủ tục thanh, quyết toán… phải rà soát kỹ đối với từng dự án. Tập trung đẩy mạnh tiến độ giải phóng mặt bằng, tháo gỡ vướng mắc phát sinh, lập hồ sơ thanh toán ngay khi có khối lượng.
Hoàn thành giao vốn chi tiết cho các dự án khởi công mới năm 2021 trước ngày 30/9/2021 theo đúng quy định của Thủ tướng Chính phủ.
Thực hiện ngay việc điều chuyển vốn từ dự án giải ngân chậm sang các dự án có khả năng giải ngân tốt và có nhu cầu bổ sung vốn hoặc điều chỉnh để thu hồi vốn ứng trước cho danh mục dự án đã được giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 (nếu còn) theo thẩm quyền quy định hoặc báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính đối với số vốn không có khả năng giải ngân hết của bộ, cơ quan, địa phương mình để có phương án điều chuyển cho các bộ, cơ quan, địa phương khác có nhu cầu bổ sung vốn và có khả năng giải ngân tốt.
Tiếp tục rà soát các quy định pháp luật liên quan đến các thủ tục về đầu tư công, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công còn bất cập để kịp thời sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định, nhất là các quy định về xây dựng, đất đai, tài nguyên.
Tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, cơ quan, địa phương, chuẩn bị kỹ nội dung và thực hiện đúng quy trình, thủ tục trong việc sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật.
Tạo thuận lợi cho lưu thông, vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu, không để xảy ra ách tắc nhưng vẫn phải bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh; các địa phương đang phải thực hiện giãn cách xã hội thì cần tập trung hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án, bảo đảm triển khai ngay sau khi nới lỏng giãn cách xã hội.
Tổ công tác đặc biệt của Bộ Giao thông – Vận tải
Đến tháng 9/2021, các dự án của Bộ GTVT đã giải ngân được 26.464 tỷ đồng, đạt 61% kế hoạch. Kết quả giải ngân của Bộ này cao hơn mức giải ngân bình quân chung của cả nước và là một trong 4 đầu mối đáp ứng tiến độ giải ngân theo chỉ đạo tại Nghị quyết số 63/NQ-CP của Chính phủ là đến hết tháng 9/2021, giải ngân tối thiểu phải đạt 60%. Để đạt được kết quả này, Bộ Giao thông Vận tải đã có những biện pháp được đánh giá là quyết liệt.
Tổ Công tác đặc biệt về thúc đẩy giải ngân của Bộ GTVT do đích thân Bộ trưởng Bộ GTVT làm Tổ trưởng đang khẩn trương rà soát một loạt dự án sử dụng vốn đầu tư công khác có dấu hiệu chậm tiến độ. Sau chưa đầy 1 tháng thành lập, Tổ Công tác đặc biệt này đang rà soát thủ tục, kiểm tra hiện trường 9 dự án được giao vốn lớn, tiềm ẩn nguy cơ chậm tiến độ. Trên cơ sở đề xuất của Tổ Công tác, đến nay, Bộ GTVT đã thực hiện điều chỉnh kế hoạch 6 đợt, với giá trị vốn điều chỉnh 3.965 tỷ đồng.
Từ kiến nghị của Tổ Công tác, Bộ GTVT sẽ lập tức điều chuyển vốn từ các dự án chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ thực hiện, giải ngân tốt. Các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công cũng sẽ bị xử lý nghiêm khắc.
Lãnh đạo Bộ GTVT cũng tối thiểu 2 tuần/lần đi kiểm tra công trường các dự án trọng điểm thuộc phạm vi phụ trách để kịp tháo gỡ các vướng mắc phát sinh, liên tục yêu cầu các cơ quan tham mưu thuộc Bộ chấn chỉnh, chủ động nâng cao vai trò, trách nhiệm trong công tác tham mưu, nhất là vai trò của cấp trưởng; quy định rõ trách nhiệm của chủ đầu tư, người đứng đầu đối với nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công…
Theo kinh nghiệm của Bộ GTVT, việc giải ngân vốn đầu tư công chỉ có thể đạt được kết quả tích cực nếu chủ đầu tư nhận diện được các rủi ro phát sinh trên công trường, qua đó xây dựng được kế hoạch, lộ trình cụ thể để tăng tốc ngay từ đầu năm, nhất là các dự án quan trọng, cấp bách.
Những trường hợp không hoàn thành kế hoạch giải ngân theo tiến độ đề ra (theo từng quý) cần xử lý nghiêm khắc bằng cách xem xét kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, người đứng đầu, cá nhân liên quan.
Loại bỏ kịp thời những cán bộ, công chức yếu kém về năng lực, trình độ hoặc suy thoái về đạo đức nghề nghiệp, gây nhũng nhiễu, tiêu cực hoặc thao túng, chi phối trong quản lý vốn đầu tư công, đấu thầu; kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực trong quản lý đầu tư công như thông thầu, gian lận, cản trở, hối lộ, can thiệp bất hợp pháp…
Cát Anh