Tỷ lệ tăng trưởng CPI của Mỹ đạt mức cao nhất trong 30 năm. Thị trường lo lắng rằng Cục Dự trữ Liên bang sẽ tăng lãi suất trước thời hạn. Ba chỉ số chứng khoán chính của Mỹ đã giảm trên diện rộng và giảm từ mức cao lịch sử trong ngày giao dịch thứ hai liên tiếp.
Theo China Times, 5 cổ phiếu công nghệ lớn thuộc chứng khoán Mỹ “MAANG” đã mất tổng cộng 195,3 tỷ USD chỉ qua một đêm.
CPI của Mỹ “bùng nổ”, chứng khoán Mỹ phản ứng mạnh mẽ
Bộ Lao động Mỹ mới đây chỉ ra rằng Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 của Mỹ tăng 0,9% so với tháng trước, vượt xa kỳ vọng là 0,6%; tăng 6,2% trong khoảng thời gian 12 tháng kết thúc vào tháng 10/2021 và thiết lập mức cao mới kể từ tháng 12/1990. Trước đó, các nhà phân tích dự báo chỉ số CPI sẽ tăng 0,5% trong tháng 10 và 5,8% trong giai đoạn 12 tháng tính đến hết tháng 10.
Nếu loại trừ biến động giá lương thực và năng lượng, tốc độ tăng của CPI cơ bản cũng đạt 0,6% theo tháng và 4,6% theo năm, mức tăng trưởng cả năm đạt mức cao nhất kể từ tháng 8/1991.
Dưới tác động của dữ liệu lạm phát, thị trường thường kỳ vọng rằng Fed có thể tăng lãi suất trước thời hạn, ba chỉ số chứng khoán chính của Mỹ đồng loạt giảm nhưng giá vàng và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng mạnh.
Chứng khoán Mỹ đóng cửa ngày 10/11, Dow Jones giảm 0,66% xuống 36079,94 điểm; Nasdaq giảm 1,66% xuống 15622,71 điểm; chỉ số S&P 500 giảm 0,82% xuống 4646,71 điểm, ngày thứ hai giảm liên tiếp từ đỉnh cao lịch sử.
Hầu hết 11 ngành thuộc nhóm S&P đều giảm, chỉ có ngành tiện ích, hàng tiêu dùng và chăm sóc sức khỏe ghi nhận mức tăng nhẹ, trong đó các ngành dịch vụ năng lượng, công nghệ và truyền thông dẫn đầu mức giảm.
Mức lạm phát cao có thể khiến Fed phải thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh chóng hơn. Theo CME Group, thị trường hiện đang dự đoán rằng sẽ có hai lần tăng lãi suất vào năm 2022, và xác suất của ba lần tăng lãi suất là khoảng 44%.
Tuần trước, Cục Dự trữ Liên bang đã thông báo theo lịch trình rằng họ đã bắt đầu kế hoạch giảm nợ, giảm quy mô mua tài sản hàng tháng 120 tỷ USD xuống 15 tỷ USD mỗi tháng. Nhưng Chủ tịch Fed Powell nhấn mạnh rằng lạm phát cao chỉ là tạm thời, và việc bắt đầu giảm nợ không báo hiệu thời điểm tăng lãi suất, và vẫn chưa đến thời điểm tăng lãi suất.
Một số liệu khác do Bộ Lao động Mỹ công bố, tính đến tuần 6/11, số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tiên ở Mỹ là 267.000 người, mức thấp kỷ lục kể từ ngày 7/3/2020.
Năm cổ phiếu công nghệ lớn đồng loạt chuyển đỏ
Chính sách nới lỏng tiền tệ của Fed là chất xúc tác quan trọng cho thị trường tăng giá, chỉ số S&P 500 đã tăng hơn gấp đôi kể từ tháng 3/2020. Hiện nay, Fed bắt đầu tăng lãi suất là tâm điểm chính của thị trường. Một khi Fed bắt đầu tăng lãi suất, chứng khoán Mỹ chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng lớn, đặc biệt là nhóm cổ phiếu công nghệ được hưởng lợi từ lãi suất thấp. Hầu hết các công ty công nghệ dựa vào nguồn tài chính để đẩy giá trị công ty, và việc tăng lãi suất có thể đẩy chi phí vốn của họ lên và làm giảm định giá thị trường.
Chính vì điều này mà thị trường Nasdaq đã bị sụt giảm đáng kể vào 10/11. Nasdaq giảm hơn 2% trong giao dịch trong ngày và đóng cửa giảm 1,66%, mức giảm lớn nhất trong hơn một tháng.
Năm cổ phiếu công nghệ lớn của Mỹ “MAANG” đồng loạt giảm. Giá cổ phiếu của Meta (trước đây gọi là Facebook), Amazon và Google đều giảm hơn 2%, còn giá cổ phiếu của Microsoft và Apple giảm 1,5% và 1,9 % tương ứng.
Về giá trị thị trường, dữ liệu của Flush iFind cho thấy Microsoft lỗ 38,6 tỷ USD chỉ qua một đêm, Apple lỗ 47,4 tỷ USD, Google lỗ 40,1 tỷ USD, Amazon lỗ 47,7 tỷ USD và Meta lỗ 21,5 tỷ USD, tổng 195,3 tỷ USD.
Cổ phiếu của Trung Quốc cũng theo xu hướng chung của chứng khoán Mỹ và giảm. Cổ phiếu TSMC giảm gần 3%, NIO giảm gần 2,7%, Li Auto giảm hơn 1% và Dingdong Maicai giảm hơn 8%.
Trong mùa mua sắp lễ độc thân 11/11 của Trung Quốc, giá cổ phiếu của ba công ty thương mại điện tử lớn gồm Alibaba, JD.com và Pinduoduo đã tăng lần lượt 2,4%, 0,7% và 3,9%.