Thị trường chứng khoán đã trải qua nhiều biến động mạnh theo chiều hướng không thật sự thuận lợi từ đầu năm. Một số nhóm ngành thậm chí đã giảm gấp đôi so với con số 20% của VN-Index, điển hình là thép. Theo thống kê của VNDirect (tính đến hết ngày 23/6), thép là nhóm cổ phiếu có hiệu suất đứng áp chót với mức giảm hơn 40% từ đầu năm, chỉ xếp trên mỗi chứng khoán.
Đến thời điểm hiện tại, một số cổ phiếu ngành thép đã hồi phục đôi chút nhưng hầu hết vẫn ghi nhận mức giảm sâu so với đầu năm. HPG, NKG loanh quanh mức giảm 35-40%, thậm chí một số cái tên như HSG, POM, TLH còn giảm trên 50%. Áp lực bán đã có dấu hiệu vơi bớt tại vùng đáy nhưng dòng tiền vào ảm đạm đã hạn chế đáng kể khả năng hồi phục của các cổ phiếu thép.
Cổ phiếu thép hồi phục đôi chút từ đáy nhưng vẫn giảm sâu so với đầu năm
Thực tế, 3 cổ phiếu thép quen mặt với nhà đầu tư nhất là HPG, HSG và NKG đều “ngốn” nhiều thanh khoản với khối lượng giao dịch hàng chục triệu đơn vị mỗi phiên. Thậm chí vào thời điểm sôi động, HPG còn thường xuyên dẫn đầu toàn sàn về thanh khoản và được nhà đầu tư ưu ái gọi là “cổ phiếu quốc dân”. Tuy nhiên, đây cũng chính là một yếu tố khiến cổ phiếu này gặp khó khi thanh khoản thị trường suy giảm.
Nguồn cung đã lớn lại còn tiếp tục tăng mạnh khiến nhiều nhà đầu tư có tâm lý e ngại bắt đáy nhóm thép. Như trường hợp của HPG, 1,34 tỷ cổ phiếu từ đợt phát hành trả cổ tức năm 2021 (tỷ lệ 30%) sẽ được chuyển giao cho cổ đông vào ngày 20/7 tới đây. Tổng lượng lưu hành của Hòa Phát cũng theo đó tăng lên mức 5,8 tỷ đơn vị, lớn nhất sàn chứng khoán. Cổ đông NKG cũng sắp đón thêm 43,9 triệu cổ phiếu từ đợt cổ tức năm 2021 (tỷ lệ 20%) được giao dịch từ ngày 13/7.
Ngoài yếu tố về cung cầu trên thị trường, diễn biến cổ phiếu thép thời gian qua còn chịu áp lực khi từ chính nền tảng cơ bản khi lợi nhuận bước qua chu kỳ bùng nổ do giá thép thế giới hạ nhiệt trong khi giá nhiên liệu đầu vào vẫn tăng cao.
Giá thép xây dựng tại Việt Nam đã giảm khoảng 11% so với mức đỉnh vào tháng 3, trong khi giá thép HRC cũng giảm 25% so với mức đỉnh vào đầu tháng 4, theo diễn biến của giá thép thế giới. Trong khi đó, sản lượng xuất khẩu vẫn ổn định trong quý 2/2022 nhưng nhiều khả năng sẽ giảm tốc trong các quý tới do nhu cầu chậm lại trước lo ngại giá thép giảm và các biện pháp bảo hộ từ các thị trường xuất khẩu.
Theo SSI Research, lợi nhuận năm 2022 của HPG có thể đạt 26.500 tỷ đồng, giảm hơn 23% so với cùng kỳ chủ yếu do giả định giá thép giảm. Lợi nhuận dự phóng năm 2022 của HSG cũng giảm 67% so với cùng kỳ, dự kiến ở mức 1.400 tỷ đồng chủ yếu do sản lượng tiêu thụ và xuất khẩu giảm. Tương tự với NKG, lợi nhuận năm 2022 cũng được dự báo sẽ giảm 39% so với cùng kỳ xuống 1.350 tỷ đồng.
Sức ép lên biên lợi nhuận vơi dần
Dù vậy, việc giảm tỷ suất lợi nhuận trong ngắn hạn có thể được hỗ trợ bởi giá nguyên liệu đầu vào giảm. Giá than cốc đã giảm 36% so với mức đỉnh hồi tháng 3, trong khi giá quặng sắt cũng giảm 13% trong 3 tháng qua do sản lượng thép sản xuất giảm (đặc biệt là từ Trung Quốc). Dù giá nguyên vật liệu giảm có thể dẫn đến việc các công ty phải trích lập dự phòng hàng tồn kho trong ngắn hạn, nguyên liệu đầu vào rẻ hơn có thể giúp giảm chi phí sản xuất trong các quý tiếp theo.
Tỷ suất lợi nhuận của các công ty Trung Quốc đã giảm xuống mức tối thiểu, nên giá thép trong thời gian tới sẽ khó có thể giảm với tốc độ mạnh như trong những tháng gần đây. Tuy nhiên, sự hồi phục của giá thép cũng tương đối hạn chế do nhu cầu yếu cho đến khi Trung Quốc mở cửa hoàn toàn nền kinh tế.
Giai đoạn 2020-2021, không có sự gia tăng công suất đáng kể trong lĩnh vực thép mạ và thép xây dựng. Một số doanh nghiệp chủ chốt trong lĩnh vực này như HPG, NKG và TDA đã có kế hoạch mở rộng cho những năm tới nhưng sự suy giảm của giá thép và triển vọng xuất khẩu, cũng như mức lạm phát cao có thể dẫn đến sự chậm trễ trong việc triển khai dự án này. Công suất sử dụng của nhà máy dự kiến sẽ giảm xuống dưới công suất tối đa vào cuối năm 2022.
Ngoài ra, mức nợ của các công ty tôn mạ cũng đã giảm xuống mức an toàn hơn nhiều so với giai đoạn trước. Do đó, SSI Research cho rằng tỷ suất lợi nhuận của các doanh nghiệp thép sẽ giảm trong quý 2 và 3 năm 2022 nhưng vẫn cao hơn nhiều so với mức đáy trong giai đoạn 2018-2019 do ít áp lực từ việc tăng công suất ngành và tỷ lệ nợ ở mức an toàn hơn.