Không mở máy lạnh, không bán bia rượu, những người kinh doanh nhà hàng cho rằng những quy định này sẽ khiến nhà hàng, quán ăn bị “trói tay”
Dự thảo 6 tiêu chí để cơ sở kinh doanh ăn uống được hoạt động
Các cơ sở kinh doanh ăn uống tại TP.HCM đang phải ngừng phục vụ tại chỗ gần 5 tháng. Mới đây, vào ngày 24/10, Ban quản lý an toàn thực phẩm trình UBND TP.HCM Dự thảo Bộ tiêu chí đánh giá hoạt động an toàn trong phòng, chống Covid-19 tại các cơ sở kinh doanh ăn uống.
1. Các cơ sở phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm và phải có mã QR đã đăng ký tại Cổng thông tin An toàn Covid-19 TPHCM.
2. Cơ sở cần đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm đúng theo quy định. Các hàng quán cần tuân thủ các quy định về cơ sở vật chất, trang thiết bị, con người, bảo quản, vận chuyển, nguồn gốc nguyên liệu, chứng từ liên quan…
3. Các cửa hàng cần có kế hoạch và chịu trách nhiệm triển khai các biện pháp đảm bảo phòng, chống Covid-19 theo hướng dẫn của ngành y tế. Tiến hành bố trí khu vực giao – nhận hàng. Mỗi nhà hàng phải trang bị nước rửa tay, xà phòng, dung dịch sát khuẩn, phương tiện làm khô tay, khăn lau tay…
4. Người lao động, người giao nhận, khách hàng, người liên hệ… phải tuân thủ 5K, thực hiện quét mã QR theo hướng dẫn ngành y tế.
5. Cơ sở kinh doanh hạn chế số người bán, mua thực phẩm cùng lúc tùy vào cấp độ dịch.
6. Các cơ sở kinh doanh ăn uống tại chỗ không sử dụng máy điều hòa nhiệt độ trong không gian kín, không bán rượu bia. Khách ăn, uống tại chỗ phải đảm bảo các quy định phòng, chống Covid-19.
Có thể thấy, bộ tiêu chí không bắt buộc quy định số người được đến cơ sở kinh doanh trong một thời điểm mà tùy vào cấp độ dịch nơi kinh doanh, cơ sở sẽ tiến hành hạn chế số người bán, người mua thực phẩm cùng một thời điểm, theo hướng dẫn của ngành y tế.
Ngoài ra, trong dự thảo quy định cũng không yêu cầu giãn cách 2m.
Không bán rượu bia, nhà hàng sẽ tiếp tục đóng cửa?
Dù vậy, trong số 6 tiêu chí được đưa ra, tiêu chí số 6: Không sử dụng điều hòa trong không gian kín, không bán rượu bia gây ra không ít tranh cãi. Phía những người kinh doanh đã rất trăn trở về quy định này. Bởi hầu hết họ cho rằng, việc đó khiến các cơ sở kinh doanh không được bán rượu bia, có thể tiếp tục phải đóng cửa vì không có khách.
Chủ một nhà hàng tại quận 1 tên Lý Minh Trung cho biết, với đề xuất không được mở máy lạnh, không bán bia rượu, coi như các nhà hàng, quán ăn bị “trói tay”.
Giải thích điều này, ông Trung chia sẻ, cửa hàng của ông chia thành hàng chục phòng nhỏ và đều phải sử dụng máy lạnh. Nếu máy lạnh không được mở, khách sẽ rất nóng, không gian ngột ngạt.
Hơn nữa, ông Trung cho rằng, tại sao ngày trước cơ quan chức năng lại đóng cửa chợ truyền thống, yêu cầu người dân vào siêu thị máy lạnh để mua sắm trong khi bây giờ lại yêu cầu không mở máy lạnh?
“Những quy định còn chưa phù hợp, nên sớm thay đổi”, người đàn ông này nói.
Về việc cấm bán rượu bia, ông chủ nhà hàng ở quận 1 cho hay, quán của ông là nơi mọi người tiếp khách, tiệc tùng, nếu không cho bán bia rượu sẽ không ai đến đây ăn uống. Đồng nghĩa với việc, doanh thu nhà hàng giảm mạnh nếu bia, rượu không được bán.
Ông Trung nói sẽ tiếp tục đóng cửa nhà hàng nếu quy định này được áp dụng.
Không ít người làm dịch vụ nhà hàng, ăn uống nhận định, nhiều nhà hàng, quán ăn sẽ tiếp tục đóng cửa nếu việc mở ra không khả thi. Sinh kế của hàng triệu người cũng vì thế mà tiếp tục bị ảnh hưởng, từ người lao động cho đến giới kinh doanh thịt, cá, hải sản, rau củ cũng “chật vật”.
Về vấn đề này, bà Phạm Khánh Phong Lan – Trưởng Ban quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM nêu quan điểm, bia rượu sẽ khiến người dân giao tiếp nhiều hơn, nguy cơ lây nhiễm Covid-19 cao hơn nên quy định không bán mặt hàng này là phù hợp với tình hình thực tế.
Tuy nhiên, bà cũng nói, đây mới chỉ là đề xuất của Ban và đơn vị này vẫn phải chờ UBND thành phố ký ban hành.
Trưởng ban quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM nói: “Các tiêu chí, quy định có thể sẽ thay đổi tùy theo tình hình, cấp độ của dịch bệnh”.
Cát Anh (T/h)