EU vừa công bố chính thức danh sách 7 ngân hàng Nga bị loại khỏi hệ thống thanh toán SWIFT.
7 ngân hàng Nga bị loại khỏi SWIFT, không có tên Sberbank
Theo đó, 7 ngân hàng của Nga bị EU loại khỏi hệ thống SWIFT gồm có: Ngân hàng lớn thứ 2 của Nga là Ngân hàng VTB, Ngân hàng Otkritie, Ngân hàng Promsvyazbank, Ngân hàng Novikombank, Ngân hàng Rossiya, Ngân hàng Sovcombank và Ngân hàng VEB (Vnesheconombank). Đáng nói, quyết định này của EU có hiệu lực ngay lập tức.
Theo giải thích của một quan chức cấp cao của EU, việc chọn lựa các ngân hàng và xếp họ vào danh sách này dựa vào mối quan hệ của với Chính phủ Nga. Trong khi trước đó, năm 2014, các ngân hàng công đã chịu các lệnh trừng phạt sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea.
Khi bị loại khỏi hệ thống SWIFT, các ngân hàng sẽ bị hạn chế khả năng chuyển tiền với các tổ chức tài chính khác trên toàn cầu. Theo thông báo của EU, từ 12/3, các ngân hàng sẽ không được cung cấp dịch vụ thông tin tài chính chuyên biệt, sử dụng để trao đổi dữ liệu tài chính.
Tuy nhiên, trong danh sách 7 ngân hàng của Nga bị loại khỏi hệ thống SWIFT không có sự xuất hiện của 2 cái tên là Sberbank – ngân hàng lớn nhất của Nga và Gazprombank. Được biết, đây là những kênh thanh toán chính cho dầu khí của Nga, mặt hàng mà dù đang xảy ra những mâu thuẫn ở hiện tại nhưng các nước EU vẫn đang phải nhập khẩu. Tuy nhiên, theo các quan chức EU, 2 ngân hàng này sẽ phải nhận những lệnh trừng phạt khác.
Giá trị của Sberbank đã mất đến 99,9%
Dù vậy, do chịu áp lực lớn từ lệnh trừng phạt của các nước phương Tây kể từ khi Nga cho triển khai chiến dịch quân sự tại Ukraine, Sberbank cho biết đang rút khỏi thị trường châu Âu. Theo thông tin từ cơ quan Thị trường Tài chính Áo, chi nhánh của Sberbank tại châu Âu đã phải đóng cửa bởi lệnh của Ngân hàng Trung ương châu Âu.
Ngân hàng này tiết lộ, các công ty con của mình tại châu Âu đang gặp phải “dòng tiền bất thường và đe dọa đến sự an toàn của nhân viên và chi nhánh”.
Kể từ thông tin rút khỏi thị trường châu Âu, cổ phiếu của Sberbank trên sàn chứng khoán London, tính đến cuối giờ giao dịch chỉ còn 0,01 USD/cổ phiếu, giảm 94,24%. Từ đầu năm đến nay, ngân hàng lớn nhất nước Nga đã mất 99,9% giá trị.
Trung Quốc và Nga đều phát triển hệ thống của riêng mình để thay thế SWIFT – hệ thống được đánh giá là không có đối thủ trên toàn cầu với khoảng 11.000 thành viên. Cụ thể, Trung Quốc có hệ thống thanh toán xuyên biên giới CIPS, còn Nga có hệ thống nhắn tin liên ngân hàng SPFS. Tuy nhiên, khoảng 70% giao dịch thanh toán trong nước Nga vẫn sử dụng hệ thống SWIFT.