Trong tháng 6/2022, VN-Index ghi nhận mức giảm 7,4% so với tháng 5 và giảm 20,1% so với cùng kỳ 2021. Thanh khoản bình quân trên cả 3 sàn chỉ đạt gần 18.000 tỷ đồng, giảm 40% so với cùng kỳ năm trước. Các nhóm ngành giảm điểm mạnh nhất có thể kể đến như Dịch vụ tài chính (-14,7%); Tài nguyên cơ bản (-14,7%); Hóa chất (-12,6%) và Dầu khí (-12,6%).
Điểm tích cực là số liệu vĩ mô 6 tháng đầu năm Việt Nam vừa công bố cho thấy sự khởi sắc của nền kinh tế. GDP quý 2 tăng trưởng 7,72% so với cùng kỳ, đây là con số cao nhất kể từ năm 2011 tới nay. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đạt 471,8 nghìn tỷ đồng, tăng 27,3% so với cùng kỳ 2021. Cán cân thương mại trong 6 tháng đầu năm ước tính xuất siêu 710 triệu USD.
Bước sang tháng 7, Agriseco Research đánh giá cơ hội sẽ đến với những doanh nghiệp có tăng trưởng lợi nhuận tốt khi đây là thời điểm kết quả kinh doanh quý 2 dần được hé lộ. Đội ngũ phân tích khuyến nghị những cổ phiếu được ưu tiên lựa chọn cần có kỳ vọng kết quả kinh doanh nửa cuối năm 2022 tăng trưởng tốt, thuộc các nhóm ngành ít bị ảnh hưởng bởi lạm phát và giá cổ phiếu đã được chiết khấu đủ lớn trong thời gian vừa qua đưa mặt bằng định giá trở nên hấp dẫn hơn.
Tại nhóm hàng không, Agriseco Research tin tưởng kết quả kinh doanh của Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (mã chứng khoán: ACV) sẽ tiếp tục cải thiện trong các quý tới nhờ nhu cầu du lịch hồi phục.
Theo Agriseco, kể từ khi nới lỏng tần suất khai thác các chuyến bay cũng như giảm thiểu các giấy tờ nhập cảnh, sản lượng hành khách khai thác trong các tháng gần đây đã hồi phục mạnh mẽ, lượng khách nội địa trong nửa đầu năm tăng 23% so với cùng kỳ và đạt 99% sản lượng năm 2019. Sản lượng khai thác khách nội địa đã có sự phục hồi tốt bởi tỷ lệ bao phủ vaccine đang ở mức cao và đang tiếp tục tăng lên, cộng thêm nhu cầu “du lịch trả thù” tăng mạnh sau 2 năm giãn cách xã hội. Trong khi đó, việc các hãng hàng không tăng cường mở lại các tuyến bay quốc tế kể từ quý 3 tới đây được dự báo sẽ giúp sản lượng khách quốc tế tiếp tục hồi phục.
Hiện, ACV đang triển khai một loạt các dự án phát triển cảng hàng không như dự án Sân bay Long Thành, dự án mở rộng nhà ga T2 Nội Bài, dự án mở rộng nhà ga T3 Tân Sơn Nhất,… với tổng mức đầu tư trên 200.000 tỷ đồng tới năm 2030. Với việc số lượt khách dự kiến sẽ tăng 7,5%-8,5%/năm trong giai đoạn 2020-2030, Agriseco Research kỳ vọng sự phát triển cơ sở hạ tầng đường không của ACV sẽ đáp ứng được 85%-90% nhu cầu đi lại của hành khách vào năm 2030.
Mặt khác, sự mất giá gần đây của đồng Yên so với VND có thể đóng góp tích cực vào lợi nhuận sau thuế của ACV. Tính tới quý 1/2022, các khoản vay của ACV có giá trị gần 14.000 tỷ đồng đều được vay bằng đồng Yên với lãi suất từ 0,5%-1,6%/năm. Các chính sách tiền tệ nới lỏng của Nhật Bản nếu được duy trì sẽ hỗ trợ đáng kể vào lợi nhuận sau thuế của ACV trong các quý kế tiếp.
Với kết quả kinh doanh quý 2/2022 tương đối khả quan, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (mã chứng khoán: BID) được Agriseco Research theo sát được kế hoạch đặt ra đầu năm. Năm 2022, BIDV đặt ra mục tiêu tăng trưởng ấn tượng với LNTT đạt 20.600 tỷ đồng (+52% so với cùng kỳ) với động lực tăng trưởng chủ yếu tới từ việc giảm chi phí dự phòng.
Động lực tăng trưởng cho BID còn có thể tới từ phương án phát hành cổ phiếu trả cổ tức tỷ lệ 12% trong thời gian tới cùng việc sẽ chào bán thêm 455,27 triệu cổ phiếu với tỷ lệ 9% (dự kiến trong 2 năm 2022-2023). Kế hoạch này sẽ giúp ngân hàng bổ sung nguồn lực về vốn và cải thiện hệ số CAR. Đồng thờ, chất lượng tài sản của BID được cải thiện tốt, tỷ lệ nợ xấu NPL hết quý 1/2022 chỉ tăng nhẹ lên 0,97% từ mức 0,81% đầu năm, tỷ lệ bao phủ nợ xấu lên mức cao 259% từ mức 215% đầu năm cũng sẽ tạo bộ đệm vững chắc về tài sản. Ngoài ra, sau nhịp chỉnh tương đối mạnh, giá cổ phiếu BID hiện đã về vùng hấp dẫn, P/B giảm từ mức 2,9 lần hồi đầu năm về 2,0 lần.
Cùng thuộc nhóm tài chính, việc lạm phát làm tăng rủi ro cho các hoạt động kinh tế khiến nhu cầu về bảo hiểm tăng lên, tỷ trọng tiền mặt và tiền gửi cao của các doanh nghiệp bảo hiểm giúp các doanh nghiệp này được hưởng lợi trong môi trường lạm phát, trong đó nổi bật là Tập đoàn Bảo Việt (mã chứng khoán: BVH). Tại thời điểm cuối quý 1, giá trị các khoản tiền gửi ngắn hạn của doanh nghiệp tăng gấp đôi so với cùng kỳ, đạt gần 10.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, với doanh nghiệp cung cấp sản phẩm bảo hiểm nhân thọ như BVH, lãi suất kỹ thuật (lãi suất TPCP có kỳ hạn trên 10 năm) tăng khiến tỷ lệ trích lập dự phòng toán học trên các hợp đồng kí mới giảm, và qua đó phần nào giúp cải thiện biên lợi nhuận cho doanh nghiệp. Cụ thể, Agriseo tính toán cho biết, tỷ lệ chiết khấu tăng 25 điểm % giúp làm giảm tới 1 nghìn tỷ đồng trách nhiệm bảo hiểm của BVH, tương ứng với mức ảnh hưởng tăng 800 tỷ đồng vốn chủ sở hữu.
Về mặt định giá, cổ phiếu đang được giao dịch ở mức P/B là 1,8 lần, thấp hơn đáng kể so với mức trung bình trước dịch, với P/B khoảng 2,5 lần trong khi LNST hợp nhất của doanh nghiệp vẫn tăng trưởng đểu qua các năm, cho thấy dư địa tăng trưởng giá cổ phiếu BVH.
Tại nhóm cổ phiếu phòng thủ là ngành nước, CTCP Nước và Môi trường Bình Dương (mã chứng khoán: BWE) là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cung cấp nước và xử lý rác thải tại khu vực phía Nam. Theo Agriseco, công ty đang tích cực cải thiện biên lợi nhuận bằng việc giảm tỷ lệ thất thoát trong mảng nước và tự cung cấp điện (điện rác, điện mặt trời) cho hoạt động kinh doanh. Đáng chú ý, địa bàn hoạt động chính của BWE tại khu vực tỉnh Bình Dương – tỉnh đứng đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài – tạo dư địa tốt cho các doanh nghiệp trong cả mảng nước và mảng rác thải công nghiệp.
Mặt khác, BWE cũng có kế hoạch mở rộng địa bàn hoạt động tại khu vực Đồng Nai thông qua việc gia tăng sở hữu tại CTCP nước Gia Tân (GIWACO), dự kiến khu vực này sẽ được cung cấp nước từ khu vực hồ thủy điện Trị An với đường ống dẫn nước từ nguồn đến vị trí dự án dài khoảng 20-30km.
Hay tại mảng điện, với mức nền thấp của quý 2/2021, Agriseco kì vọng CTCP Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (mã chứng khoán: NT2) sẽ công bố kết quả kinh doanh tăng trưởng tích cực trong quý 2/2022. Bên cạnh đó, việc NT2 đã trả hết nợ vay từ tháng 6/2021 giúp cải thiện biên lợi nhuận và giúp tăng khả năng cạnh tranh của nhà máy trên thị trường phát điện cạnh tranh.
Hiện nay, nhu cầu điện tăng tại khu vực tiêu thụ chính là Đông Nam Bộ khi hoạt động sản xuất kinh doanh phục hồi giúp sản lượng phát điện vượt kế hoạch của doanh nghiệp. Trong khi đó, tình trạng thiếu nguồn cung than trong nước và giá than nhập khẩu quá cao khiến các nhà máy nhiệt điện than tại khu vực phía Nam gặp phải rủi ro giảm sản lượng huy động do khả năng cạnh tranh thấp hơn so với các nguồn năng lượng khác.
Với Tổng Công ty khí Việt Nam (mã chứng khoán: GAS), kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm ghi nhận tăng trưởng tích cực với LNST ước đạt trên 6.900 tỷ (tăng 50% so với cùng kỳ) và đã gần hoàn thành kế hoạch LNST đặt ra trong năm 2022. Nguyên nhân là nhờ vào những thuận lợi khi giá khí và giá LPG tăng và neo cao trong nửa đầu năm khi tính hình địa chính trị phức tạp, đặc biệt là xung đột giữa Nga – Ukraine làm ảnh hưởng tới nguồn cung trên toàn cầu.
Agriseco Research đánh giá, kết quả kinh doanh của GAS phụ thuộc nhiều vào diễn biến giá dầu thế giới. Trong bối cảnh các nước xuất khẩu dầu mỏ có vẻ sẽ không tăng sản lượng mặc dù gặp nhiều áp lực do thiếu hụt nguồn cung từ Nga, giá dầu FO và LPG tiếp tục giữ ở mức cao trong năm 2022, cùng việc các nhà máy điện khí được huy động cao, Agriseco cho rằng GAS có thể duy trì tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận trong các tháng cuối năm 2022.
Cũng trong cuối năm nay, dự án LNG Thị Vải dự kiến sẽ được hoàn thành. Với việc là đơn vị thực hiện dự án kho cảng LNG, dự Kho LNG Thị Vải sẽ cung cấp chính nguồn khí cho 2 nhà máy điện khí hỗn hợp là Nhơn Trạch 3 và 4, với tổng công suất 1500 MW. Bên cạnh đó, GAS cũng sẽ là doanh nghiệp ở vị trí trung nguồn được hưởng lợi khi dự án Lô B – Ô Môn được đưa vào khai thác với vai trò là đơn vị trung chuyển nguồn khí và cung cấp kho chứa. Dự kiến dòng khí đầu tiên của dự án này được đưa về bờ vào cuối năm 2025.
Là ngành luôn được đề cập trong nhóm hưởng lợi từ nhu cầu hồi phục hậu Covid-19, thực phẩm đồ uống cũng được đánh giá sẽ tăng trưởng về kết quả kinh doanh tốt trong nửa sau năm 2022, đại diện tiêu biểu là Tổng CTCP Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, mã chứng khoán: SAB). Theo Agriseco Research, sự phục hồi về nhu cầu tiêu thụ thị trường bia sau 2 năm giãn cách và áp dụng Nghị định 100/2019 kết hợp với các chiến lược marketing sẽ giúp Sabeco sớm tăng thị phần trong thời gian tới. Bên cạnh đó, với việc thị phần bia đang bị bám đuổi sát sao bởi Heiniken trong các năm gần đây, Sabeco đã tiến hành phát triển các sản phẩm của mình theo hướng trẻ trung và năng động hơn, tham gia tài trợ cho nhiều sự kiện và tổ chức để tiếp cận thêm với nhiều khách hàng mới, đặc biệt là giới trẻ. Do đó, Agriseco Research kỳ vọng SAB có thể gia tăng sản lượng tiêu thụ kể từ năm nay so với mức nền thấp của 2 năm trước.
Yếu tố bổ trợ cho tăng trưởng của Sabeco là giá bán bia tại Việt Nam đang trong đà tăng, việc đứt gãy chuỗi cung ứng khiến giá nguyên vật liệu (như lúa mạch, vỏ lon nhôm/chai thủy tinh,…) và chi phí vận chuyển tăng lên – điều này dẫn tới giá bia kể từ quý 2 đã tăng từ 15%-30%. Mặc dù vậy, SAB đã đáp ứng đủ nguyên vật liệu cho năm 2022 và hiện đang trong quá trình chuẩn bị cho năm 2023. Bên cạnh đó, công nghệ chuyển đổi số “SABECO 4.0” được áp dụng từ cuối năm 2020 đã đem lại những kết quả tích cực khi giảm đáng kể tỷ lệ chi phí bán hàng & quản lý trên tổng doanh thu trong quý 1 vừa qua, kỳ vọng lợi nhuận sau thuế của SAB năm 2022 sẽ có sự phục hồi đáng kể.
Cùng trong xu hướng phục hồi, CTCP Tập đoàn Thiên Long (mã chứng khoán TLG) ghi nhận kết quả kinh doanh ấn trượng nhờ động lực chính là xuất khẩu tăng trưởng hơn 44% so với cùng kỳ. Doanh số bán hàng kỳ vọng có sự phục hồi mạnh mẽ đặc biệt là trong quý 3 do cùng kỳ năm ngoái, mảng này đã bị ảnh hưởng mạnh bởi đại dịch Covid khi mọi người học và làm việc ở nhà dẫn tới nhu cầu văn phòng phẩm giảm mạnh.
Động lực dài hạn cho TLG đến từ Nhà máy Thiên Long Long Thành đang triển khai xây dựng và có thể đi vào hoạt động từ cuối năm nay giúp gia tăng công suất đáng kể cho doanh nghiệp. Cũng cần điểm qua rằng TLG có cơ cấu tài chính lành mạnh, trả cổ tức bằng tiền mặt đều hằng năm với suất cổ tức khoảng 5%.
Là doanh nghiệp đầu ngành thép, CTCP Tập đoàn Hòa Phát (mã chứng khoán: HPG) đang trong quá trình hoàn thiện và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị của ngành thép như mua các mỏ nguyên liệu, xây dựng nhà máy container. Dự kiến mỏ than được HPG mua lại sẽ đóng góp vào hoạt động kinh doanh của tập đoàn từ năm 2023, giúp cải thiện biên lợi nhuận trong bối cảnh giá than thế giới tăng gấp 3 lần dưới sự tác động của các sự kiện địa chính trị. Trong khi đó, dự án sản xuất container được đưa vào vận hành từ cuối năm 2022 dự kiến đóng góp 10.000 tỷ doanh thu trong giai đoạn 2022-2023, mặc dù có thể chưa kì vọng có lãi ngay trong những năm đầu tiên.
Theo Agriseco, mặc dù giá thép trong nước và trên thế giới đang có xu hướng chững lại và giảm xuống, nhưng giá HRC giao trong tháng 7 và 8 cao sẽ giúp cải thiện biên lợi nhuận của Hòa Phát. Ở thị trường tiêu thụ thép chính trên thế giới và đối tác nhập khẩu thép lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc, chính phủ đang có nhiều động thái hỗ trợ thị trường bất động sản, kì vọng sẽ giúp thị trường BĐS Trung Quốc sớm hồi phục, từ đó thúc đẩy cầu thép.
Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu HPG đã giảm tới 50% kể từ vùng đỉnh thiết lập trong nửa cuối năm 2021, tương đương định giá P/B 1.3 lần – mức P/B thấp nhất được ghi nhận kể từ khi đưa dự án Dung Quất 1 vào vận hành chính thức từ năm 2020.
Đối với mảng bất động sản, với quỹ đất KCN sẵn sàng cho thuê lên tới 1.300ha cùng các lợi thế về vị trí địa lý, uy tín sẽ đảm bảo cho Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (mã chứng khoán: KBC) tăng trưởng trong dài hạn. Dự kiến năm 2022, Agriseco cho rằng KBC sẽ ghi nhận doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng chính từ dự án KCN Nam Sơn Hạp Lĩnh và KĐT Phúc Ninh. Đồng thời, kỳ vọng KĐT Tràng Cát sẽ là nguồn thu chính trong tương lai khi KBC dự định sẽ chuyển nhượng khoảng 50ha bán đất Tràng Cát, thu về 10.000 – 20.000 tỷ đồng và một phần sẽ hợp tác đầu tư dự án khách sạn 5 sao với tổng vốn đầu tư dự kiến 5 tỷ USD trong tương lai.
Mới đây, việc KBC tăng tỷ lệ sở hữu từ 19,5% lên 48% tại công ty CTCP Đầu tư Sài Gòn – Đà Nẵng kỳ vọng sẽ đóng góp thêm vào lợi nhuận của KBC trong năm 2022. KBC và công ty con cũng đã ký các biên bản ghi nhớ MOU hơn 8 tỷ USD với các doanh nghiệp Hoa Kỳ. Nhiều dự án gối đầu cũng sẽ tạo động lực tăng trưởng bền vững trong dài hạn như các dự án mới được chấp thuận đầu tư ở Long An, Hải Dương, Hưng Yên với tổng diện tích 2.000 ha sẽ nối tiếp quỹ đất hiện tại.