Thông tin đưa ra từ buổi họp báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày 05/10.
Xuất khẩu ngành nông nghiệp vẫn tăng trưởng
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến hết tháng 9/2021, cả nước gieo cấy được 7,13 triệu ha lúa; đến nay đã thu hoạch đạt khoảng 5,3 triệu ha, sản lượng khoảng 33,5 triệu tấn thóc. Tổng diện tích gieo trồng cây lâu năm ước đạt 3.642,4 nghìn ha, tăng 1,3% so cùng kỳ.
Đối với chăn nuôi, sản lượng thịt trâu ước đạt 86,6 nghìn tấn, giảm 0,4%; thịt bò đạt 332,4 nghìn tấn, tăng 2,4%; thịt lợn hơi ước đạt 3.060,9 nghìn tấn, tăng 5,0%; thịt gia cầm hơi xuất chuồng ước đạt 1.402,7 nghìn tấn, tăng 4,3%; sản lượng sữa bò tươi ước đạt 856,6 nghìn tấn, tăng 11,0%; trứng ước đạt 12,8 tỷ quả, tăng 4,3%.
Xuất khẩu nhóm nông sản chính ước đạt trên 15,8 tỷ USD, tăng 14,4%; lâm sản đạt 11,97 tỷ USD, tăng 31,6%; thủy sản đạt gần 6,2 tỷ USD, tăng 2,4%; chăn nuôi 345 triệu USD, tăng 17,5%; nhóm đầu vào sản xuất khoảng 1,3 tỷ USD, tăng 31,6%.
Về thị trường xuất khẩu: Khu vực châu Á chiếm 42,2% thị phần; châu Mỹ 30,7%, châu Âu 11,3%, châu Đại Dương 1,5% và châu Phi 1,9%.
Tuy nhiên, kim ngạch nhập khẩu nông lâm thủy sản, nhất là nguyên liệu phục vụ sản xuất cũng tăng mạnh, đạt 32,2 tỷ USD, tăng 41,6%. Do vậy, xuất siêu 9 tháng dù đạt trên 3,3 tỷ USD nhưng giảm 55,3% so với cùng kỳ năm trước.
Theo ông Nguyễn Văn Việt, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để đạt mức tăng trưởng toàn ngành năm 2021 là 2,8% thì lĩnh vực chăn nuôi và thủy sản phải có sự phát tăng trưởng mạnh trong quý 4 vì trồng trọt từ nay đến cuối năm không còn nhiều dư địa tăng trưởng.
Thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tập trung chỉ đạo sản xuất, kinh doanh phù hợp với điều kiện thời tiết, diễn biến dịch Covid-19 tại từng tỉnh, thành phố. Đẩy mạnh phát triển thị trường, tháo gỡ rào cản, tạo thuận lợi cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Ngành sẽ tăng cường kết nối, phối hợp với các tập đoàn viễn thông như Viettel Post, VNPT Post; các doanh nghiệp có ứng dụng giao hàng chuyên nghiệp đề xuất hỗ trợ chuyển đổi số trong nông nghiệp và thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ nông sản, tăng cường giao dịch điện tử.
Phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng tập trung giải quyết khó khăn về kỹ thuật, thuận lợi hóa thông quan, hạ tầng logistic… không để ứ đọng hàng hóa tại vùng sản xuất, nhà máy, trên các tỉnh biên giới với Trung Quốc và các thị trường xuất khẩu trọng điểm.
Về mục tiêu cho năm 2022, trên cơ sở dự kiến kết quả sản xuất, kinh doanh của ngành năm 2021, dự báo dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra những mục tiêu “vừa tầm” .
Cụ thể, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành 2,8 – 3%; tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản khoảng 45,5 tỷ USD; tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt khoảng 73%; tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc ổn định ở mức 42%…
Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Bộ sẽ tập trung vào chuyển nhanh tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp ở tất cả các cấp từ Trung ương đến địa phương. Đẩy mạnh phát triển thị trường, tháo gỡ rào cản, tạo thuận lợi cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu nông lâm thủy sản. Xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng từng loại nông sản, gắn với phát triển hạ tầng logistics nông nghiệp, nông thôn, đảm bảo chuỗi cung ứng thị trường trong nước.
Thủy sản vẫn gặp khó
Thủy sản là lĩnh vực chịu ảnh hưởng mạnh của dịch Covid-19, sản lượng khai thác và nuôi trồng quý 3 giảm 5,2%. Tính chung 9 tháng, tổng sản lượng thủy sản đạt gần 6,38 triệu tấn, giảm 0,2% so với cùng kỳ năm 2020.
Ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhận định, việc đạt mục tiêu trong nuôi trồng thủy sản không khó mà khó trong lưu thông và các cơ sở chế biến phải khôi phục lại được sản xuất.
Việc Ủy ban Châu Âu (EC) đưa cảnh báo “thẻ vàng” với thủy sản Việt Nam từ năm 2017 vẫn là một rào cản. Ngày 07/09/2021, Thủ tướng đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với các Bộ, ngành, địa phương về việc gỡ “thẻ vàng” của EC và đưa ra “kỳ hạn” phải giải quyết được vấn đề này trong năm 2021 hoặc 2022.
Đối với việc chậm trễ trong gỡ thẻ vàng IUU đánh bắt hải sản, ông Hùng cho biết, năm nay vì dịch Covid-19 nên phía EC không sang Việt Nam kiểm tra công việc khắc phục “thẻ vàng”.
Về cơ bản, Tổng cục Thủy sản đã có báo cáo gửi EC trao đổi về những nỗ lực, cố gắng của Việt Nam về việc gỡ “thẻ vàng” trong năm 2021, cũng như cả quá trình suốt 4 năm gỡ “thẻ vàng” của chúng ta. Việt Nam đã rất nỗ lực từ Trung ương đến địa phương để giải quyết việc này.
“Đến nay, chúng tôi nghĩ không thể bị EC nâng từ “thẻ vàng” lên “thẻ đỏ”. Trước mắt, hết 2021 chúng ta vẫn cố gắng duy trì ở mức “thẻ vàng”. Hiện nay, các tỉnh, thành phố đã vào cuộc rất quyết liệt từ cấp xã. Thủ tướng chỉ đạo phấn đấu năm 2022 phải gỡ được “thẻ vàng”. Với sự vào cuộc quyết liệt từ Trung ương, các Bộ, ngành, địa phương, tôi tin “thẻ vàng” sẽ được gỡ bỏ trong giai đoạn 2022-2023″, ông Hùng khẳng định.