Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho hay, quan điểm của Bộ là rút dần thời gian đóng bảo hiểm xã hội xuống 15 năm, hướng tới 10 năm.
Nhiều người không chờ được khi đóng bảo hiểm 20 năm
Ngày 6/6, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn ở nghị trường Quốc hội. Tại đây, vấn đề rút bảo hiểm xã hội một lần được nhiều người quan tâm.
Theo đó, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khi trao đổi với các đại biểu Quốc hội đã đề cập đến thực trạng số lượng người rút bảo hiểm một lần thời gian qua tăng lên, trùng với thời điểm doanh nghiệp gặp khó khăn, thiếu đơn hàng, công nhân mất việc. Ông cho rằng, để hạn chế tính trạng này, cần phải đảm bảo việc làm ổn định, cải thiện đời sống người lao động.
Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội khẳng định, việc sửa luật Bảo hiểm xã hội hướng tới tăng, mở rộng quyền lợi với người tham gia bảo hiểm chứ không “siết” hay hạn chế quyền.
Bộ trưởng cho hay, theo dự luật sẽ hạ điều kiện thời gian đóng bảo hiểm xã hội để được hưởng lương hưu, từ mức 20 năm của hiện tại còn 15 năm. Việc rút ngắn thời gian tham gia bảo hiểm phù hợp với “tuổi nghề” của nhiều nhóm lao động, đồng nghĩa với việc mở rộng hơn cơ hội có lương hưu với người tham gia bảo hiểm muộn.
Theo phân tích của người đứng đầu ngành lao động và xã hội, người lao động sẽ không đợi được nếu tiếp tục đóng 20 năm, nhất là ở những ngành, lĩnh vực sản xuất thâm dụng lao động.
Ông chia sẻ, Bộ quan điểm là rút dần thời gian đóng bảo hiểm, xuống 15 năm, tiến tới có thể là 10 năm là được hưởng lương hưu. Vẫn tuân thủ theo nguyên tắc đóng – hưởng chung. Theo đó, người đóng dài hưởng nhiều, đóng ngắn hưởng ít, dựa trên tinh thần công bằng, chia sẻ.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung
Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH), bà Nguyễn Thị Lan Hương cho rằng, việc giảm năm đóng BHXH hết sức nhân văn, mở rộng cơ hội cho nhiều người được hưởng lương hưu. Theo bào, người đóng ít hay chỉ đóng trong 15 năm sẽ nhận về mức lương hưu thấp sau này nhưng vẫn hơn là không có lương hưu.
Về việc rút bảo hiểm xã hội một lần, bà Hương cho hay về nguyên tắc, đây là quyền lợi chính đáng của người lao động được quy định tại luật BHXH, Bộ luật Lao động năm 2019. Theo đó, khi gặp khó khăn, người lao động được quyền rút bảo hiểm.
Do đó, bà Hương cho rằng, phải thực sự khó khăn thì người lao động mới rút bảo hiểm bởi trên thực tế, rút sớm là thiệt thòi. Theo tiết lộ của bà Hương, nhiều người lao động khi được phỏng vấn về việc rút bảo hiểm xã hội một lần, hầu hết đều trả lời rằng: “xoay mãi nhưng không có cách nào nên mới rút BHXH”.
Tuy nhiên, cũng có một số người lao động còn chưa hiểu hết được ý nghĩa của việc đóng BHXH trong cuộc sống, khi gặp biến cố thì được bảo vệ, chia sẻ rủi ro, ví dụ câu chuyện thai sản hay khi gặp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp…
Chưa kể, việc rút bảo hiểm một lần gây ra hệ quả lâu dài, đó là về già người lao động không có lương hưu, cũng khó kiếm được khoản tiền thay thế để đảm bảo cuộc sống.
Bà lưu ý việc, người lao động chỉ nhận được một số lượng tiền nhất định khi rút bảo hiểm xã hội một lần và chấp nhận bỏ đi số năm đã đóng bảo hiểm trước đó. Trong khi đó, quan trọng nhất của hệ thống bảo hiểm xã hội chính là quỹ lương hưu. Rút bảo hiểm một lần, người lao động nếu đóng sẽ quay về điểm xuất phát ban đầu.
Nói thêm về việc đóng bảo hiểm xã hội theo quy định hiện hành, tối thiểu 15 năm rút ra mới được 45%, bà Hương cho rằng, khi rút, người lao động sẽ chịu thiệt thòi cả về mặt tiền bạc và đối mặt với sự khó khăn trong cuộc sống về già sau này.
Siết chặt quy định rút bảo hiểm xã hội 1 lần
Theo khuyến cáo của nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội – TS Bùi Sỹ Lợi, để giữ người dân ở lại với hệ thống an sinh cần tạo ra sinh kế cho họ bằng mọi cách. Quan điểm của ông, để hệ thống an sinh xã hội của đất nước tốt lên theo tinh thần Nghị quyết 28 của Trung ương, đúng theo quan điểm của Đảng, Nhà nước là “không bỏ ai lại phía sau” thì việc rút bảo hiểm không thể tự do, rộng rãi.
Ông Lợi nói: “Luật nên quy định chỉ cho rút trong hai trường hợp đặc biệt, một là người lao động mắc bệnh nan y, hai là người ra nước ngoài định cư. Phải cố gắng giữ người lao động trong hệ thống an sinh xã hội, vì mục tiêu chung là đảm bảo diện bao phủ BHXH toàn dân.
Trường hợp khó khăn, thì cho người lao động được nhận 1 phần (50%) để giải quyết vấn đề trước mắt, nửa còn lại được giữ lại để động viên người dân tiếp tục tham gia bảo hiểm sau này”. Bởi việc giữ lại 50% như “của để dành” sẽ giúp người lao động có động lực quay lại hệ thống an sinh.
Ông Lợi dẫn chứng, có 1,3 triệu người trong tổng số 4,7 triệu người rút bảo hiểm xã hội một lần những năm qua đã quay trở lại tham gia bảo hiểm xã hội, có nghĩa là họ vẫn mơ ước về hệ thống an sinh xã hội tốt.
Chuyên gia này cho rằng, cơ bản nhất cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo sinh kế cho người dân thông qua hoạt động vay vốn, hỗ trợ đất, chính sách việc làm công…