Theo nghị định mới của Chính phủ, có 9 nhóm sẽ được tăng lương cơ sở bắt đầu từ ngày 1/7.
9 nhóm được tăng lương cơ sở từ 1/7
Theo nghị định ngày 14/5, sẽ áp dụng tăng lương cơ sở cho 9 nhóm kể từ ngày 1/7, gồm có:
- Nhóm 1: Cán bộ, công chức từ trung ương đến cấp huyện.
- Nhóm 2: Cán bộ, công chức cấp xã.
- Nhóm 3: Viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập.
- Nhóm 4: Người làm các công việc theo chế độ hợp đồng lao động trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập thuộc diện được áp dụng hoặc có thỏa thuận trong hợp đồng.
- Nhóm 5: Người làm việc trong chỉ tiêu biên chế tại các hội được ngân sách Nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động.
- Nhóm 6: Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ, công nhân, viên chức quốc phòng và hợp đồng lao động thuộc quân đội nhân dân Việt Nam.
- Nhóm 7: Sĩ quan, hạ sĩ quan hưởng lương, hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ, công nhân công an và lao động hợp đồng thuộc công an nhân dân.
- Nhóm 8: Người làm việc trong tổ chức cơ yếu.
- Nhóm 9: Người hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn, tổ dân phố.
Cách tính lương cho từng nhóm đối tượng
Các nhóm này sẽ tính lương theo cách: Lương cơ sở x Hệ số + Các loại phụ cấp. Theo đó, nếu mới tốt nghiệp đại học, đi làm và hưởng hệ số lương 2,34, mức lương của người này là: 2,34 x 1,8 triệu đồng = 4,212 triệu đồng.
Các cơ quan, đơn vị đang theo cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù ở trung ương sẽ tiếp tục thực hiện đến khi cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27 Trung ương. Ở nhóm này, mức tiền lương và thu nhập tăng thêm hàng tháng tính theo mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng từ 1/7 không vượt quá mức tiền lương và thu nhập tăng thêm bình quân năm 2022.
Nguồn tăng lương cho các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương, được sử dụng từ 10% tiết kiệm chi thường xuyên dự toán năm 2023, tăng thêm so với dự toán năm 2022 đã được giao.
Cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập có thu phí trích lập tạo nguồn cải cách tiền lương từ một phần nguồn thu phí được để lại, sau khi trừ các chi phí liên quan trực tiếp đến hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí.
Các cơ quan trung ương ngoài ra được dùng nguồn cải cách tiền lương năm 2022 chưa sử dụng hết.
Bốn nguồn tăng lương các địa phương được sử dụng gồm có: 10% tiết kiệm chi thường xuyên dự toán năm 2023; 70% tăng thu ngân sách địa phương so với dự toán; nguồn cải cách tiền lương năm 2022 chưa sử dụng hết; tối thiểu 40% số thu được để lại theo chế độ năm 2023 sau khi trừ chi phí liên quan trực tiếp đến cung cấp dịch vụ, thu phí. Được sử dụng tối thiểu 35% đối với số thu từ khám chữa bệnh, y tế dự phòng và dịch vụ y tế khác của bệnh viện công lập.
Sau khi sử dụng các nguồn nêu trên nhưng vẫn thiếu, Ngân sách Trung ương sẽ bổ sung nguồn kinh phí còn thiếu để điều chỉnh mức lương cơ sở năm 2023 cho cơ quan trung ương và địa phương.
Chính phủ sẽ trình Quốc hội sẽ xem xét, điều chỉnh lương cơ sở sao cho phù hợp với ngân sách, chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế đất nước.
Quốc hội vào tháng 11/2022 đã đồng ý tăng lương cơ sở 20,8% cho cán bộ, công chức, viên chức từ 1,49 triệu đồng lên 1,8 triệu đồng một tháng, tính từ 1/7/2023. Lương cơ sở dùng làm căn cứ tính lương trong các bảng lương, phụ cấp, sinh hoạt phí, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, lương hưu.
Cùng với lương cơ sở, cũng sẽ tăng 12,5 % đối với lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội đối với người nghỉ hưu trước năm 1995 cũng tăng 12,5%; cùng với đó là tăng 20,8% chi các chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở. Được biết, tổng chi cho cải cách tiền lương và điều chỉnh lương hưu, một số chế độ trợ cấp, phụ cấp, và chính sách an sinh xã hội rơi vào khoảng 12.500 tỷ đồng.