Techcombank với dự án đầu tư công nghệ 500 triệu USD

Đây là tiết lộ của Techcombank trong thông báo về hợp tác với Amazon Web Service (AWS) – công ty con của “gã khổng lồ” Amazon.

Chuyển đổi số của Techcombank

Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) vừa thông báo hợp tác với Amazon Web Service (AWS) – công ty con của “gã khổng lồ” Amazon để chuyển dịch hệ thống lên đám mây trong 5 năm tới. Kế hoạch dài hạn này tập trung nâng cao năng lực điện toán đám mây cho nhân viên ngân hàng, giúp họ tiếp cận và ứng dụng thành thạo dịch vụ đám mây.

Đây là một phần trong dự án đầu tư công nghệ trị giá 500 triệu USD của nhà băng này trong 5 năm. “Chúng tôi không tiết lộ được giá trị cụ thể của thoả thuận này, nhưng tôi tự tin để nói rằng đây là khoản đầu tư đơn lẻ lớn nhất mà ngân hàng thực hiện từ trước đến nay”, ông Jens Lottner, Tổng Giám đốc Techcombank nói.

Techcombank cho biết hơn 90% khách hàng của họ sử dụng kênh số ít nhất một lần mỗi tháng và 34% chỉ sử dụng các kênh ngân hàng số, cao hơn nhiều so với mức trung bình ở Việt Nam. Với tệp khách hàng ưa xài công nghệ hơn kiểu truyền thống, việc chuyển đổi lên đám mây sẽ giúp ngân hàng phát triển các sản phẩm và dịch vụ một cách nhanh chóng và mang tính cá nhân hoá nhiều hơn.

Ông Jens Lottner nói: “Chúng tôi muốn sáng tạo các dịch vụ tuỳ chỉnh và cá nhân hóa để mỗi khách hàng có những trải nghiệm riêng và độc đáo. Để hiện thực hoá điều này, điện toán đám mây không phải là một lựa chọn, đó là bắt buộc”. Như đã từng ở vị thế dẫn dắt trong việc tuân thủ Basel II, chuẩn mực IFRS hay chương trình ‘zero fee’, lãnh đạo nhà băng này tự tin sẽ tạo sự khác biệt so với các ngân hàng còn lại nhờ vào việc am hiểu dữ liệu và thị trường.

Về tính an toàn và bảo mật, giám đốc điều hành của AWS ASEAN, ông Conor McNamara cũng khẳng định các tổ chức có thể hoạt động an toàn hơn trên đám mây công cộng, như cách mà họ đang thực hiện tại trung tâm dữ liệu riêng của họ.

Trên thực tế, cuộc khủng hoảng y tế đã kéo theo sự thay đổi gần như toàn diện lên mọi mặt, đồng thời đẩy nhanh tiến độ của công cuộc số hóa. Chuyển đổi lên đám mây trở thành “bình thường mới” trong lĩnh vực ngân hàng.

Chuyển đổi ngành tài chính, nâng tầm giá trị sống

Theo thông báo, Techcombank sẽ khai thác thế mạnh các dải dịch vụ điện toán đám mây sâu rộng của AWS để hiện thực hóa tầm nhìn “Chuyển đổi ngành tài chính, nâng tầm giá trị sống”, từ đó thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng các sản phẩm và dịch vụ sáng tạo mới, và tạo điều kiện cho người dân Việt Nam, các doanh nghiệp và tập đoàn tăng trưởng bền vững.

Trong một phần thỏa thuận hợp tác giữa Techcombank và AWS, AWS sẽ hỗ trợ Techcombank xây dựng và thúc đẩy các chương trình sáng tạo và phát triển nhân lực số hóa. Những năng lực mới này sẽ giúp ngân hàng thích ứng nhanh hơn với các yêu cầu của khách hàng, rút ngắn thời gian triển khai giải pháp tới khách hàng, giúp gia tăng sự khác biệt của Techcombank với các tổ chức dịch vụ tài chính khác trên thị trường.

Để thúc đẩy môi trường sáng tạo, đồng thời xây dựng lực lượng kế cận cho tương lai, Techcombank đang tối ưu hiệu quả từ các chương trình đào tạo của AWS, bao gồm AWS Skills Guild, một chương trình hỗ trợ kỹ năng toàn diện được thiết kế để phát triển năng lực điện toán đám mây, cho 700 cán bộ nhân viên.

Theo đó, tất cả nhân viên của ngân hàng sẽ được tham gia các khóa đào tạo cơ bản về điện toán đám mây trên nền tảng số. Các giảng viên AWS sẽ trực tiếp giảng dạy nâng cao năng lực cho 2.000 lượt học viên trong 24 tháng tới. Techcombank sẽ cung cấp các khóa đào tạo nền tảng Cloud Practitioner được cấp chứng chỉ AWS cho các nhân viên phi kỹ thuật, trong lúc, các khóa đào tạo dành cho các nhân viên kỹ thuật sẽ chuyên sâu về kỹ thuật chuyển đổi lên đám mây.

Nhiều tổ chức đã dịch chuyển các trung tâm dữ liệu lớn lên đám mây như ngân hàng Standard Chartered Bank tại Singapore. Một số tổ chức tài chính như DBS, FWD… tại Đông Nam Á đã khai thác điện toán đám mây để tối ưu năng lực dữ liêu chưa từng khai phá, biến dữ liệu thành am hiểu khách hàng. Tại Việt Nam, một số ngân hàng cũng dần chuyển đổi dữ liệu lên đám mây như VIB, TPBank, VietABank…

Exit mobile version