Trong bối cảnh thị trường đang loay hoay vùng đáy, nhóm chứng khoán phần nào đã nhanh chân hơn khi hồi phục trước. Tuy nhiên, mức tăng từ đáy vẫn chưa thấm vào đâu so với những gì mà các cổ phiếu chứng khoán đánh mất từ đầu năm.
Theo thống kê đến hết ngày 18/7, vốn hóa thị trường của ngành chứng khoán đã bị thổi bay hơn 108.000 tỷ đồng (~ 4,6 tỷ USD) từ đầu năm. Chỉ có 3 cổ phiếu ngược dòng với thanh khoản hạn chế là PHS, DSC và CSI, trong khi toàn bộ các CTCK còn lại đều không thoát khỏi xu hướng giảm. 22/34 cổ phiếu chứng khoán có vốn hóa giảm trên 1.000 tỷ, thậm chí SSI, VND, VCI, SHS còn mất hàng chục nghìn tỷ đồng từ đầu năm.
Hầu hết cổ phiếu chứng khoán đã mất hàng nghìn tỷ vốn hóa từ đầu năm
Đà trượt dốc của nhóm chứng khoán cùng chiều với sự sụt giảm của thanh khoản thị trường, đặc biệt từ đầu quý 2. Liên tục giảm thời gian qua, giá trị khớp lệnh bình quân phiên trên HoSE trong tháng 6 đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ tháng 2/2021. Xu hướng này vẫn chưa dừng lại và hiện con số trên chỉ còn quanh ngưỡng 10.000 tỷ đồng/phiên.
Còn nhớ trong giai đoạn bùng nổ hồi cuối năm ngoái, thị trường có nhiều phiên chứng kiến thanh khoản lên đến hàng tỷ USD. Riêng giá trị khớp lệnh bình quân trên HoSE cũng thường xuyên đạt mức tỷ USD trong nhiều tháng. Thời điểm đó, nhóm chứng khoán có 3 đại diện lọt nhóm tỷ USD vốn hóa nhưng đến nay chỉ còn duy nhất SSI, trong khi VCI đã rớt đài còn VND chỉ ngấp nghé.
Thanh khoản liên tục sụt giảm
Nút thắt thanh khoản được kỳ vọng sẽ có thể được nới lỏng phần nào khi quy chế thanh toán bù trừ mới “T+1,5” dự kiến áp dụng từ cuối tháng 8. Chu kỳ thanh toán được rút ngắn nửa ngày có thể giúp vòng quay giao dịch của nhà đầu tư tăng lên qua đó kích thích sự sôi động trở lại. Tuy nhiên, khó có thể kỳ vọng quá nhiều vào điều này bởi tâm lý nhà đầu tư vẫn còn thận trọng với xu hướng tăng lãi suất. Theo Dragon Capital, nếu Fed tăng 75 và 50 điểm lãi suất vào 2 kỳ họp tới, Việt Nam cũng có thể phải tăng lãi suất 50 điểm vào quý 4 năm nay.
Trong bối cảnh đó, nhóm chứng khoán với những đại diện tiêu biểu như VND, SSI, HCM,… vẫn giao dịch đầy sôi động. Định giá hợp lý hơn cũng là một trong những yếu tố giúp cổ phiếu chứng khoán thu hút dòng tiền bắt đáy và hồi phục khả quan thời gian gần đây. Theo đó, P/B của hầu hết các CTCK hiện đã xuống dưới 2, thậm chí nhiều cái tên dưới 1, khiêm tốn hơn rất nhiều so với giai đoạn cuối năm ngoái khi phần lớn các cổ phiếu đều có P/B khoảng 3-4 lần.
P/B của hầu hết các CTCK đều dưới 2
Thêm nữa, quý 2 vừa qua có thể coi là giai đoạn khó khăn nhất đối với nhóm chứng khoán kể từ khi làn sóng nhà đầu tư mới đổ bộ vào thị trường. Thanh khoản sụt giảm mạnh cùng biến động không thuận lợi của thị trường có ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh doanh của các CTCK. Một số cái tên báo lãi giảm sâu như AGR, VIX, thậm chí LVS còn lỗ và không bất ngờ nếu tiếp tục có thêm các CTCK tăng trưởng âm trong mùa báo cáo tới đây.
Tuy nhiên, không loại trừ khả năng kết quả kém sắc trong quý 2 đã được phản ánh vào giá trong giai đoạn dò đáy trước đó. Nhịp hồi vừa qua phần nào cho thấy kỳ vọng của dòng tiền vào tình hình lạc quan hơn của nhóm chứng khoán trong quý 3 khi hoạt động tự doanh khởi sắc hơn trên nền so sánh thấp trong điều kiện thị trường đang dần ổn định trở lại.