Lĩnh vực trục vớt cứu hộ hiện mới chỉ có đại diện duy nhất trên sàn chứng khoán là CTCP Trục vớt cứu hộ Việt Nam (VISAL – mã SAL).
VISAL tiền thân là Công ty trục vớt trực thuộc Phân cục đường biển miền Nam được thành lập từ tháng 6/1976 thuộc Tổng cục giao thông thủy bộ miền Nam. Trải qua nhiều thay đổi, công ty thực hiện cổ phần hóa và tổ chức đấu giá lần đầu vào cuối tháng 12/2014. Doanh nghiệp chính thức hoạt động theo mô hình Công ty cổ phần từ ngày 6/3/2015 với vốn điều lệ 83,1 tỷ đồng.
Đến tháng 6/2016, công ty được UBCKNN chấp thuận công ty đại chúng và sau đó đưa cổ phiếu lên sàn UpCOM từ tháng 10/2017. Kể từ khi lên sàn, doanh nghiệp trục vớt này chưa từng thực hiện tăng vốn điều lệ.
VISAL hiện sở hữu đội tàu kéo, cung ứng và xử lý neo có tổng công suất khoảng gần 20.000 HP, đang khai thác 03 ụ khô có thể tiếp nhận tàu có tải trọng 3.000 DWT. Quy mô có phần khiêm tốn nhưng tình hình kinh doanh của VISAL lại khá khởi sắc với doanh thu đều đặn trên dưới trăm tỷ mỗi năm và lợi nhuận liên tục tăng trưởng.
Năm 2021, VISAL ghi nhận kết quả kinh doanh cao kỷ lục kể từ khi lên sàn với doanh thu 122 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 7,9 tỷ đồng, lần lượt tăng 22% và 46% so với cùng kỳ. Lãi ròng thu về 6,3 tỷ đồng, cũng tăng 37% so với năm trước. Với kết quả đạt được, doanh nghiệp trục vớt cứu hộ đã vượt xa kế hoạch cả năm đề ra.
VISAL duy trì doanh thu trên dưới trăm tỷ mỗi năm
VISAL dự báo năm 2022 còn nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19, tình hình thế giới mất ổn định, giá cả các mặt hàng có xu hướng biến động tăng và không ổn định sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến các doanh nghiệp trong nước. Do đó, VISAL đặt mục tiêu doanh thu 110 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 3,5 tỷ đồng, lần lượt giảm 8% và 56% so với thực hiện năm trước.
Kinh doanh có lãi đều đặn giúp VISAL duy trì chính sách cổ tức hàng năm tuy nhiên tỷ lệ không cao, thường dưới 5%. Với kết quả ngoài mong đợi năm vừa qua, doanh nghiệp này đang muốn “phá lệ” với kế hoạch chia cổ tức năm 2021 với tỷ lệ 6,02% bằng tiền mặt. Phần lớn cổ tức hàng năm đều chảy vào túi cổ đông lớn nhất Tổng công ty Bảo đảm an toàn Hàng hải Việt Nam với tỷ lệ năm giữ 49%.
Từ khi lên sàn, SAL gần như tắt thanh khoản và nếu có cũng chỉ “lác đác” vài trăm đơn vị được giao dịch. Tỷ lệ cổ tức cũng không thực sự hấp dẫn khiến cổ phiếu này không “hot” như một số cái tên độc lạ khác trên sàn chứng khoán như CPH của Mai táng Hải Phòng, TTD của Tim Tâm Đức.
Cổ phiếu SAL gần như không có thanh khoản